Giải quyết mâu thuẫn vụ Lý Hoàng Nam rút khỏi SEA Games 32

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc họp giữa đại diện các bên được kỳ vọng sẽ giải toả mâu thuẫn nội bộ thời gian qua nhằm đưa đương kim vô địch quần vợt SEA Games - Lý Hoàng Nam trở lại đội tuyển, hướng tới sự phát triển của bộ môn và thể thao Việt Nam nói chung.

Theo kế hoạch, 10h ngày 17-2, đại diện Tổng cục TDTT, Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF), Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP HCM (nơi quản lý đội tuyển quần vợt Việt Nam) và Trung tâm quần vợt Hải Đăng (đơn vị chủ quản của Lý Hoàng Nam) sẽ cùng ngồi lại để giải quyết những bất đồng nội bộ, đưa Lý Hoàng Nam trở lại cống hiến cho đội tuyển quốc gia.

Những bất đồng nội bộ được xem là nguyên nhân chính khiến đơn vị chủ quản làm đơn rút Lý Hoàng Nam khỏi đội tuyển dự SEA Games 32

Những bất đồng nội bộ được xem là nguyên nhân chính khiến đơn vị chủ quản làm đơn rút Lý Hoàng Nam khỏi đội tuyển dự SEA Games 32

Những ngày qua, đại diện các bên đã có nhiều phát biểu trên truyền thông xung quanh việc Trung tâm quần vợt Hải Đăng làm đơn xin rút Lý Hoàng Nam khỏi đội tuyển quốc gia dự SEA Games 32.

Động thái được cho là xuất phát từ bất đồng giữa VTF và đơn vị chủ quản của Lý Hoàng Nam sau những bất cập ở công tác hậu cần cho đội tuyển quần vợt Việt Nam ở vòng play-off Davis Cup nhóm II vừa kết thúc.

Theo phản ánh từ người trong cuộc, trong khi đối thủ Indonesia được "chăm sóc tận răng" thì các tuyển thủ Việt Nam phải tự di chuyển, ở nhà nghỉ bình dân, ăn cơm hộp... Không được chăm chút đúng mức, tuyển Việt Nam thua Indonesia ngay trên sân nhà và bị đánh tụt xuống nhóm III.

Phía đơn vị chủ quản của Lý Hoàng Nam chỉ trích VTF thiếu quan tâm tới đội tuyển. Còn Tổng thư ký VTF Đoàn Thanh Tùng khẳng định đội tuyển không trực thuộc đơn vị này và việc đi lại, ăn, ở, tập luyện như thế nào là trách nhiệm quản lý của Tổng cục TDTT và Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM.

Đại diện Tổng cục TDTT, Phó tổng cục trưởng Trần Đức Phấn thừa nhận chỉ riêng việc để các thành viên đội tuyển tạm ứng tiền ăn, uống khi thi đấu giải trên sân nhà đã là sai; đồng thời cho biết Tổng cục TDTT sẽ làm việc với các bên để tìm hiểu nguyên nhân vì sao quyết định thành lập đội tuyển muộn (chỉ 5 ngày trước trận ra quân) dẫn đến việc VTF thông báo các thành viên ứng trước tiền ăn, tiền công.

Về phần mình, Lý Hoàng Nam bức xúc cho biết anh không nhận được bất cứ đồng tiền thưởng nào từ VTF ở 2 lần vô địch đơn nam SEA Games.

Để chuẩn bị cho SEA Games 32, Lý Hoàng Nam đề xuất VTF hỗ trợ 50 triệu đồng/tháng trong 3 tháng trước giải và thưởng 200 triệu đồng nếu bảo vệ thành công chức vô địch đơn nam.

"Điều tôi cần từ VTF không phải là tiền bạc mà là sự quan tâm, trân trọng những gì đóng góp của tôi nói riêng và đơn vị chủ quản của tôi nói chung", đương kim vô địch SEA Games nói.

Đơn vị chủ quản cho biết mỗi năm chi khoảng 5 tỉ đồng đầu tư cho Lý Hoàng Nam, để nhấn mạnh việc VTF đầu tư 350 triệu đồng theo đề xuất trên không có gì là quá đáng, thể hiện sự quan tâm tối thiểu tới tài năng số 1, người đã cống hiến và mang về nhiều vinh quang cho quần vợt Việt Nam.