Kế hoạch cứu nguy Navibank Sài Gòn:
Giải pháp “lọt sàng xuống nia”
(ANTĐ) - “Bóng đá TP.HCM không thể chết”, rất nhiều người đã nói như thế dù quặn lòng chứng kiến đại diện duy nhất của họ ở V-League là Navibank SG chuẩn bị xuống hạng. Nhưng rất có thể tình hình sẽ đổi khác, khi đang có những kế hoạch giải cứu mà người ta chỉ có thể thấy ở V-League.
Navibank SG (dưới) đã tìm được phao cứu sinh |
Xôn xao thượng tầng
Nhiều ngày qua, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) ăn ngủ không yên trước một thực tế rằng Navibank SG nói lời tạm biệt với giải đấu hạng cao nhất Việt Nam. Nếu điều này xảy ra, sẽ có nhiều chuyện thú vị để mà nói khi đích thân ông Chủ tịch HFF Lê Hùng Dũng đăng đàn để... từ chức, như cách mà ông từng tuyên bố hồi đầu mùa. Có thể thấy, những phát biểu ấy của lãnh đạo HFF không chỉ xuất phát từ danh dự và niềm kiêu hãnh một thời của bóng đá TP.HCM (với CA TP.HCM, Hải Quan hay Cảng SG) mà còn để giữ thể diện cho HFF, hay cụ thể là chính ông Lê Hùng Dũng nữa. Năm ngoái, TP.HCM đã chơi một nước cờ “rất V-League” để có thể tiếp tục sự tồn tại của mình, là mua lại suất của QK4. Nhưng bây giờ, khi mà chẳng còn đội bóng nào có thể dùng tiền để mua nữa, thì lãnh đạo Navibank SG cũng như lãnh đạo HFF đang tìm lối thoát khác.
Ngay sau khi có thông tin ông Vũ Quang Bảo chuẩn bị quay lại dẫn dắt Navibank SG, cộng với việc hàng chục tỷ đồng chuẩn bị được đổ vào Navibank SG nhằm giúp đội bóng này tái thiết... người ta liền đặt ra câu hỏi rằng làm thế nào để đội bóng TP.HCM có thể trụ hạng, bởi rõ ràng là những cách đầu tư kiểu ấy không phục vụ cho việc Navibank làm lại từ hạng Nhất.
Chuyện chỉ có ở V-League
Câu trả lời rất đơn giản: Navibank sẽ tiếp tục có mặt ở V-League mùa tới nhưng không phải bằng chính thực lực của họ, mà bằng sự “giúp sức” của... Nam Định và đội bóng đang xếp thứ 2 ở giải hạng Nhất là SQC Bình Định. Thứ nhất, theo quy định về việc lên-xuống hạng ở mùa giải 2010 do VFF đưa ra, khi V-League chỉ còn 13 đội chuyên nghiệp (Thanh Hóa và Đồng Tháp sắp hoàn tất thủ tục trong nay mai, còn Nam Định đã buông xuôi và chấp nhận xuống hạng), thì mùa giải này sẽ chỉ có 1,5 suất xuống hạng (đồng nghĩa với 1,5 suất lên hạng ở hạng Nhất). Trong trường hợp này, LS Thanh Hóa (xếp thứ 12) đương nhiên đã trụ hạng an toàn. Vị trí thứ 13 hiện tại của Navibank SG sẽ được “nâng” lên thành suất đá play-off để tranh vé vớt.
Nếu điều này xảy ra, Navibank SG sẽ tranh chấp suất dự V-League mùa sau với đội đang xếp thứ nhì ở hạng Nhất là SQC Bình Định. Đây chính là điểm mấu chốt bởi SQC (Tập đoàn Khai khoáng Sài Gòn) và Navibank (Ngân hàng Nam Việt) lại... có cùng một ông chủ. Và trong bối cảnh này, việc “lọt sàng xuống nia” được hiểu như một chuyện rất đỗi bình thường (!). Và như thế, nỗ lực của SQC Bình Định, sự cổ vũ vô tư của khán giả đất Võ trong trong cả một mùa giải sẽ thành công cốc, nếu như trận play-off trên diễn ra với đúng kịch bản của “thượng tầng”.
Người yêu bóng đá Bình Định có thể đau, nhưng trong thời buổi làm kinh doanh bằng bóng đá như thế này, câu chuyện về làm thương hiệu (dù chỉ nhập nhằng) đôi khi còn quan trọng hơn niềm tự hào. Hơn thế nữa, trong môi trường V-League, và ai cũng hiểu rằng, đây là nước cờ cuối cùng để HFF cứu vãn danh dự, để ông Lê Hùng Dũng vẫn có thể tại vị, thay vì giữ những lời mà ông đã trót đưa ra.
LÊ VINH