Giải Nhất thiết kế cầu Thượng Cát bị tố đạo ý tưởng cầu Thạch Hãn, tác giả nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại diện Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT và Công ty CP Kiến trúc Lập Phương (TEDI - CUBIC liên danh được trao giải Nhất) cho rằng, phương án thiết kế cầu Thượng Cát và cầu Thạch Hãn khác biệt hoàn toàn.

Nhiều ngày qua, dư luận phản ánh về thiết kế kiến trúc cầu Thượng Cát đạt giải Nhất của liên danh Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải- TEDI và Công ty cổ phần kiến trúc Lập Phương (CUBIC) giống với thiết kế cầu Thạch Hãn 1. Thậm chí, một số luồng ý kiến còn gay gắt cho rằng, thiết kế này đạo ý tưởng của cầu Thạch Hãn 1 tại Quảng Trị đang thi công.

Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, đại diện Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT và Công ty CP Kiến trúc Lập Phương (TEDI - CUBIC liên danh được trao giải Nhất) cho rằng, phương án thiết kế có sự khác biệt hoàn toàn.

Lãnh đạo CUBIC - đơn vị thiết kế kiến trúc cho biết, về ý tưởng, cầu Thạch Hãn 1, tháp cầu chữ V, ý tưởng chiến thắng "W-W (Win-Win)" gồm 2 cầu cạnh nhau. Cầu Thượng Cát mang biểu tượng "Cánh chim hòa bình".

"Như vậy, về mặt hình thành ý tưởng kiến trúc, các phương án cầu Thượng Cát và cầu Thạch Hãn 1 đều được đặt trong bối cảnh cụ thể của từng địa phương, không có sự trùng lặp về ý tưởng, cách thể hiện.

Thiết kế đạt giải Nhất cầu Thượng Cát

Thiết kế đạt giải Nhất cầu Thượng Cát

Cầu Thạch Hãn 1 ở giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có dạng tháp đôi, song song, 4 nhánh và 4 mặt phẳng dây, hoàn toàn khác biệt với phương án cầu Thượng Cát với ý tưởng Cánh chim hòa bình", đại diện CUBIC nhấn mạnh.

Về cấu trúc thiết kế, theo lãnh đạo TEDI - đơn vị thiết kế, cầu Thạch Hãn là cầu Extradose, gồm 2 đơn nguyên với 4 thân tháp.

Trong giai đoạn 1 thực hiện 1 đơn nguyên cầu với bề rộng 17,25m, 4 làn xe cơ giới, chiều dài cầu chính 250m.

Thiết kế tháp thấp, thẳng. Cầu chính có 2 tháp với sơ đồ 3 nhịp. Tiết diện thân dạng vát góc tạo cảm giác vững chắc.

Dây văng thiết kế hai mặt phẳng dây, bố trí dạng song song. Bước các dây đều nhau tại điểm neo trên tháp và mặt cầu.

Thiết kế cầu Thạch Hãn và cầu Thượng Cát

Thiết kế cầu Thạch Hãn và cầu Thượng Cát

Cầu Thượng Cát là cầu dây văng gồm 1 đơn nguyên cầu hoàn thiện, bề rộng cầu 37,4m với 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp. Chiều dài cầu chính 600m.

Tháp cầu Thượng Cát được thiết kế cao gấp 2,5 lần cầu Thạch Hãn, chéo và cong theo phương ngang cầu thể hiện ý tưởng cánh chim Hòa Bình.

Cầu chính có 3 tháp với sơ đồ 4 nhịp. Tiết diện thân dạng bo tròn tạo cảm giác mềm mại. Hai mặt phẳng dây, bố trí dạng nan quạt. Dây văng tại tháp giữa cao hơn 2 tháp biên, tương ứng chiều cao tháp giữa.

"Tựu chung lại, ngoài sự khác biệt về ý tưởng, tạo hình kiến trúc, về quy mô, giải pháp kết cấu có sự khác biệt rất lớn giữa cầu Thượng Cát và cầu Thạch Hãn ở chiều dài nhịp (200 và 110m), chiều cao tháp (107m và 40m), số lượng tháp (3 tháp và 2 tháp), số lượng mặt phẳng dây (2 và 4), tính chất chịu lực của kết cấu (dầm mềm và dầm cứng), bộ phận chịu lực chính (dây văng và dầm)", lãnh đạo TEDI dẫn giải.

Tác giả giải Nhất thiết kế cầu Thượng Cát khẳng định, 2 thiết kế cầu là khác nhau, ý tưởng khác nhau dù có nhiều nét tương đồng

Có thể nhiều nét tương đồng nhưng truyền tải ý tưởng khác nhau

Chia sẻ thêm, đại diện TEDI cho biết, về mặt kết cấu, công trình cầu chỉ có 5 loại hình kết cấu chủ yếu như: cầu dầm (gồm đơn giản và liên tục), cầu giàn (đơn giản và liên tục), cầu vòm (chạy trên, chạy dưới, chạy giữa), cầu dây văng, cầu dây võng.

Các phương án kiến trúc nói chung sẽ được phát triển dựa trên các loại hình kết cấu chủ yếu đó với các tạo hình khác biệt ở một số chi tiết nhằm thể hiện hình tượng, truyền tải ý tưởng kiến trúc.

Việc hình thành phương án kiến trúc cầu còn cần đảm bảo sự phù hợp với các điều kiện tự nhiên như chiều rộng lòng sông, đặc điểm địa chất, thủy văn, tính khả thi về mặt kết cấu với chi phí xây dựng và bảo dưỡng hợp lý.

Về thẩm mỹ công trình, công trình cầu là một kết cấu lớn, bản thân nó có vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp của kết cấu được kết hợp khéo léo và hợp lý trong phương án thiết kế mà không cần những chi tiết, tạo hình thừa so với yêu cầu chịu lực.

Vì vậy, các công trình cầu cùng loại thường có nhiều nét tương đồng về hình tượng nhưng có thể truyền tải những ý tưởng kiến trúc khác nhau.

Trước đó, trong 7 phương án thiết kế tham gia dự thi qua các vòng, Hội đồng thi tuyển của Hà Nội đã trao giải Nhất cho phương án mã số TC-03 do Liên danh TEDI- CUBIC thiết kế.

Dự án cầu Thượng Cát được HĐND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng vào tháng 12/2023. Cầu có tổng chiều dài 5,22 km; trong đó, chiều dài cầu là hơn 4 m. Cầu chính vượt sông Hồng dài 600 m còn 2 đầu dẫn bắc, nam dài tổng cộng hơn 3,4 km. Tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 8.000 tỷ đồng.

Trước đó, vào năm 2022, tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc cầu Thạch Hãn 1. Bản thiết kế thắng giải nhất của cầu Thạch Hãn 1 đã thuộc về TEDI. Cầu Thạch Hãn 1 đang được xây dựng với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng.

TEDI nổi tiếng và cũng là “đàn anh”, cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực thiết kế hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là các công trình cầu lớn trên địa bàn cả nước.