Giải ngân nhanh, nhưng khó thu hồi vốn

(ANTĐ) - Tính đến 30-6-2008 đã có 754 nghìn học sinh, sinh viên (HSSV) được vay vốn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng cho HSSV trong năm học 2007-2008 với tổng số 5.292 tỷ đồng. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, đây là một trong những chương trình quốc gia đã đảm bảo tiến độ giải ngân 100% theo đúng kế hoạch.

Cho học sinh, sinh viên vay vốn:

Giải ngân nhanh, nhưng khó thu hồi vốn

(ANTĐ) - Tính đến 30-6-2008 đã có 754 nghìn học sinh, sinh viên (HSSV) được vay vốn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng cho HSSV trong năm học 2007-2008 với tổng số 5.292 tỷ đồng. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, đây là một trong những chương trình quốc gia đã đảm bảo tiến độ giải ngân 100% theo đúng kế hoạch.

Tuy nhiên, chương trình cho HSSV vay vốn này cũng còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, trong đó có việc xác định sai đối tượng cho vay hay thủ tục, biện pháp thu hồi vốn...

Mâu thuẫn giữa đề xuất tăng mức cho vay và khả năng trả nợ

Đến thời điểm này, hầu hết các ngành cũng như đối tượng được vay vốn đều cho rằng cần phải xem xét lại mức vay vốn hiện nay là 800.000 đồng/tháng lên 1.000.000 đến 1.200.000 đồng/tháng do tình hình giá cả sinh hoạt nhiều biến động.

Theo sinh viên Bùi Thị Thu Hà, Khoa Tài chính ngân hàng - ĐH Ngoại thương, số tiền được vay 4 triệu đồng một học kỳ không phải là khoản tiền nhỏ nhưng vẫn chưa đủ để đóng học phí và trang trải một phần chi phí sinh hoạt, nhất là trong hoàn cảnh lạm phát hiện nay.

Bùi Thị Thu Hà cho biết, nguyện vọng của bạn cũng như các sinh viên khác là được nâng mức vay. Tương tự như vậy, ông Hà Duy Cư, xã Thanh Hương, huyện Điện Biên, có 2 con được vay vốn cũng đề xuất nâng mức cho vay.

Tuy nhiên, ông Hà Duy Cư cũng cho rằng việc hoàn lại số tiền cho vay cũng như lãi hàng tháng sau khi hết hạn vay là điều khó khăn đối với gia đình. Theo phân tích của ông Hà Duy Cư, với mức lương tháng của con mình sau khi tốt nghiệp trung cấp vào khoảng 1.200.000 đồng thì việc trả nợ 800.000 đồng được vay mỗi tháng với lãi suất 0,5% là điều khó thực hiện.

Như vậy, có thể thấy nhu cầu thực tế là muốn tăng mức vay nhưng khả năng chi trả ngay ở mức hiện tại lại chưa đảm bảo. Về vấn đề xác định lại mức vay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các Bộ liên quan sớm đưa ra đề xuất để Chính phủ xem xét ngay trong cuộc họp thường trực vào 20-8 tới.

Nhiều địa phương đề xuất mở rộng đối tượng học sinh, sinh viên vay vốn tín dụng (ảnh: Vinh Hương)
Nhiều địa phương đề xuất mở rộng đối tượng học sinh, sinh viên vay vốn tín dụng (ảnh: Vinh Hương)

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế cho vay  và thu hồi vốn

Đánh giá về chương trình cho vay tín dụng với HSSV có hoàn cảnh khó khăn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cũng như các vấn đề xã hội khác, việc triển khai chương trình này cũng phải đối mặt với một số rủi ro cần lường trước và có biện pháp khắc phục.

Theo phản ánh của các trường có HSSV vay vốn, hiện tại việc phối hợp thông tin giữa ngân hàng chính sách, địa phương và nhà trường chưa thông suốt. Nhiều trường cho biết, đến thời điểm này họ không biết có bao nhiêu sinh viên trường mình được vay vốn tín dụng.

Nếu trong đó có trường hợp sinh viên nghỉ học, bị kỷ luật... thì khó có thể quản lý, thu hồi vốn vay kịp thời. Thực tế, kết quả kiểm tra hơn 330.000 HSSV được vay vốn cho thấy có 77 hộ gia đình và 59 HSSV sử dụng vốn sai mục đích. Con số này không lớn nhưng vẫn cho thấy nguy cơ nếu không quản lý chặt chẽ sẽ dẫn tới khả năng thất thoát vốn.

Trong khi Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức theo dõi vay nợ đối với HSSV, đặc biệt là khi HSSV ra trường thì phía nhà trường, sau một năm thực hiện cho HSSV vay vốn còn chưa nắm được ai được vay, vậy làm sao có thể theo dõi vay nợ đối với các đối tượng này?

Ngoài ra, khó khăn hiện nay là HSSV vay vốn sẽ được cấp thông qua hộ gia đình, nhưng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, các trường hợp này đều là các gia đình trong diện nghèo và cận nghèo, khó có khả năng trả nợ. Như vậy  người phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả vốn chính là các HSSV được hưởng khoản vay này.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH vẫn chưa đưa ra hướng dẫn chính thức về việc HSSV sau khi ra trường phải ký cam kết trả nợ để đảm bảo 100% người được vay phải ràng buộc trách nhiệm cùng gia đình hoàn trả vốn.

Duy Anh