Giải ngân đầu tư nước ngoài mới đạt 26%, 10 bộ, địa phương không giải ngân được đồng nào

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lũy kế 11 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài mới đạt hơn 26%; Có 64 bộ, địa phương giải ngân dưới 50%; trong đó 10 bộ, địa phương không giải ngân được đồng nào.

Cụ thể, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng đầu năm 2022 đạt 26,06%, tương đương 9.014,59 tỷ đồng.

Có 54 địa phương và 10 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó còn 6 bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân là 0%.

Đến thời điểm 30/11/2022, Bộ Tài chính nhận được đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 8/13 bộ, ngành với tổng số vốn đề nghị giảm là 3.678,5 tỷ đồng, 35/59 địa phương với tổng số vốn đề nghị giảm là 8.804,5 tỷ đồng.

Cùng với đó, trong tổng số 294 dự án, tiểu dự án được giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2022 thì có 114 dự án (gần 40%) chưa giải ngân, với kế hoạch vốn giao là 6.235,2 tỷ đồng, chiếm 18,03% kế hoạch vốn.

Đơn cử như ngành giao thông vận tải, các dự án ODA đã giải ngân 3.709 tỷ đồng (đạt 68,2%); kế hoạch còn lại chưa giải ngân 1.731 tỷ đồng.

Giải ngân đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài 11 tháng đầu năm rất chậm

Giải ngân đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài 11 tháng đầu năm rất chậm

Về nguyên nhân của tình trạng giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn chậm, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, chủ yếu xuất phát từ các vướng mắc trong tổ chức triển khai dự án dẫn đến việc không có khối lượng hoàn thành.

Các vướng mắc như: dự án như chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án; điều chỉnh hiệp định vay hoặc đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng tổ chức thực hiện các chương trình, dự án chậm; vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu...

Với thực trạng nêu trên, theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nói chung, trong đó có nguồn vốn nước ngoài của Chính phủ trong 2 tháng còn lại của kế hoạch vốn năm 2022 đặt ra rất nhiều thách thức.

Nếu không có những biện pháp kịp thời dẫn đến việc lặp lại tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài như các năm trước đây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và ảnh hướng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của giai đoạn trung hạn 2021-2025.

Do đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát các vướng mắc, bám sát từng dự án để chỉ đạo các nhà thầu thực hiện, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thủ tục thanh toán, rút vốn.

Cùng với đó, rà soát lại quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức, đơn giá vật tư thiết bị phù hợp mặt bằng giá mới; báo cáo cụ thể với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có đánh giá chuẩn xác số liệu, nêu rõ khó khăn, vướng mắc, cam kết triển khai, đề xuất giải pháp.

Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét các vấn đề về thủ tục, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có điều chỉnh tổng mức, điều chỉnh kế hoạch vốn.

“Bộ Tài chính cam kết phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc, xử lý các vấn đề liên quan đến nhà tài trợ để làm sao hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh nhất việc giải ngân. Các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn nước ngoài nói riêng ở mức cao nhất để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững”, Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhấn mạnh.