Giải mã thủ phạm của "Cái chết đen": Đại dịch kinh hoàng nhất trong lịch sử

ANTD.VN - Dịch hạch - thảm kịch khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại, hoành hành suốt từ Trung Quốc cho tới châu Âu khiến hàng triệu người thiệt mạng, và châu Âu phải mất tới 150 năm mới khôi phục được dân số như cũ.

"Cái chết đen": sự trừng phạt đến từ thần chết

Dịch bệnh hạch phổ biến nhất là bệnh dịch hạch phương Đông với triệu chứng xuất hiện các bọc máu ở vùng bẹn và những hẻm nhỏ dưới bắp thịt. Sau đó, bắt đầu nôn mửa và lên cơn sốt rồi "chết đột ngột".

Cơn dịch hạch phổi đe dọa ngay hai lá phổi, còn một loại biến thể khác của bệnh dịch hạch gây ra nhiễm trùng máu và chết ngay trong một ngày. Có một giả thuyết cho rằng, bệnh dịch hạch được đưa vào miền Tây Á do các nhà buôn từ Trung Quốc trở về, mặc trên người những chiếc áo bằng lông thú có mang theo những con bọ chét chứa bệnh dịch này.

Vào năm 1247, những người Tarta ở vùng Crưm (thuộc nước Nga cổ), nhưng trong số họ đã có nhiều người bị mắc bệnh dịch hạch, đã bao vây Kaff, một hải cảng ở Crưm mà dân chúng chủ yếu ở đó là nhà buôn gốc Italia. Với mưu mẹo tai hại nhằm biến bệnh dịch hạch thành một ưu thế trong chiến trận, vị Khan (vua) người Tarta là Janibek đã ra lệnh cho quân lính của mình ném những tử thi bị mắc bệnh dịch hạch qua tường thành để làm lây bệnh những dân chúng đang bị bao vây trong đó.

Những nguyên nhân xuất hiện "cái chết đen" vẫn còn "mờ ảo" trong suốt nhiều thế kỷ cho đến tận những năm 1890, khi nhà bác học người Pháp là Alexandre Yersin, sau khi nghiên cứu cơn bùng nổ của nạn dịch này ở Hong Kong đã phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh.

Tất cả những hình thái của "cái chết đen" đều do một loại vi khuẩn là pasteurella pestis gây ra. Loại vi khuẩn này trong những điều kiện tự nhiên đều có rất ít trong một số loại gậm nhấm.

Chúng lan truyền nhờ loại bọ chét xenopsylla cheopis sống ký sinh ở loài chuột cống. Loại bọ này sau khi cắn vào động vật mang vi khuẩn gây bệnh dịch hạch thì chính chúng cũng nhiễm bệnh. Chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh và bám vào đường tiêu hóa của loài bọ đó, rồi sau đó nó lại đưa vào mạch máu của con vật chủ ký sinh một lượng vi khuẩn mới.

Một con bọ chét bị bệnh dịch hạch (Nguồn: Getty Images)

Những loài gậm nhấm lại có miễn dịch chống lại vi khuẩn. Chắc hẳn "cái chết đen" bắt nguồn từ vùng Trung Á, rồi sau đó theo con đường thương mại lan đến cảng Kaff. Tại đấy, nhờ số lượng chuột cống đen khá lớn đã tạo ra những môi trường lý tưởng để vi khuẩn dịch hạch sinh sôi nảy nở, bởi rất nhiều chuột sinh sống trên các con tàu nên chúng nhanh chóng mang theo mầm bệnh dịch hạch đi khắp châu Âu.

Bệnh dịch hạch đường phổi còn có thể lan truyền nhanh hơn theo con đường nước bọt bay trong không khí. Khi một bệnh nhân ho thì vi khuẩn có lẫn trong máu và đờm của họ bay trong không khí và lan truyền vào đường hô hấp của những người khỏe mạnh.

Tại châu Âu: Dịch hạch phát triển mạnh, để lại một số hệ quả

Từ thế kỷ XII, châu Âu tiếp tục thừa hưởng những thành quả của sự tăng trưởng kinh tế vững chắc mà bắt đầu nảy sinh suốt từ năm 1.000. Nhờ khí hậu ấm dần và kỹ thuật nông nghiệp lại hoàn thiện hơn, nông dân đã thu được những vụ mùa bội thu chưa từng thấy, dân số cứ ngày càng tăng trưởng. Đến giữa thế kỷ XIV, toàn châu Âu có tới hơn 70 triệu người.

Trong những thành phố lớn, bên cạnh những thánh đường hùng vĩ là những túp lều xiêu vẹo chung mái vào nhau, đó là nơi cư ngụ của sự đói nghèo và cùng khổ. Những đường phố không được quét dọn, đầy rác rưởi và cặn bã lại là những nơi lý tưởng cho chuột, bọ sinh sản nhanh chóng.

Sau khi phát sinh, bệnh dịch hạch có thể lan truyền nhanh chóng theo các con đường thương mại, mà những con đường này cứ mỗi ngày một tăng lên nhanh chóng nhờ nếp sống sung túc của người dân châu Âu tăng tiến mỗi lúc một nhanh.

Cái chết đen bao trùm gần như khắp châu Âu (Nguồn: Reuters)

Mặc dù nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nhưng tất cả các nước châu Âu đều lệ thuộc vào nông nghiệp; vì vậy, dịch hạch xảy ra đã làm suy thoái kinh tế.

Một trong những hậu quả đáng kể nhất của "cái chết đen" là châu Âu khan hiếm sức lao động. Tại Anh, 1/3 đất đai không có người canh tác, bị hoang hóa. Những người nông dân sống sót sau nạn dịch hạch hiểu rằng, họ luôn luôn được nhờ cậy và có thể đòi hỏi những người chủ đất phải trả công thuê mướn cao và đòi phải giảm tô giảm tức.

Do sự lớn mạnh của các thành phố, vai trò của các đồ vật cũng thay đổi, xuất hiện các thợ thủ công liên kết thành những xưởng sản xuất và bắt đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa tiền tệ.

Sau nạn dịch hạch, những người nông dân được tự do thoải mái hơn, không bị lệ thuộc nhiều vào các ông chủ. Các nhà cầm quyền càng nỗ lực để làm sao tất cả mọi công việc trở lại guồng máy cũ. Edward III nước Anh đã cố gắng trả tiền lương cho các quan lại dưới quyền ở mức như trước khi có dịch hạch. Nhưng những đòi hỏi như vậy đã dẫn tới hàng loạt các cuộc khởi nghĩa.

Vào năm 1358, cuộc khởi nghĩa Jacquerie ở nước Pháp đã làm 20.000 người thiệt mạng. Rồi 23 năm sau tại Anh, những người khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Wot Tiler thậm chí còn chiếm giữ được London trong một thời gian ngắn.

Do gặp phải một bệnh tật "khó hiểu" và không thể chữa trị được, nhiều người đã tìm tới nhà thờ. Họ chỉ còn biết đặt niềm tin vô vọng của mình vào những lời cầu nguyện. Ngoài ra, hàng ngàn người giàu có lâm bệnh chết đã để lại tài sản của mình cho nhà thờ, và vì thế nhà thờ càng giàu lên nhanh chóng. Song không phải tất cả mọi người đều cầu xin Đức Chúa Trời cứu giúp.

Sự bất lực của con người và những nguy cơ tiềm ẩn

Không một ai biết được rằng "cái chết đen" thực sự do đâu gây ra và lan truyền như thế nào, bởi vậy các thầy thuốc đã không thể đưa ra những biện pháp chữa trị và có thuốc công hiệu.

Nhưng đã có những người do ngẫu nhiên đã đi tới gần được cách giải quyết vấn đề. Khá nhiều người tin rằng, bệnh lan truyền qua không khí. Nếu thực tế không khí là nguồn làm lan truyền dịch bệnh thì việc cách ly sẽ là biện pháp mang lại an toàn cho mọi người.

Không phải dễ dàng tìm được cách ly gián nghiêm ngặt sao cho có thể cách ly thực sự con bọ mang mầm gây bệnh. Thế nhưng ở Sal (Marocco) có một người tên Ibno Abu Madiano đã tìm được cách làm được điều này.

Ông ta đã tự nhốt kín mình ở trong nhà và nhất định không chịu mở cửa nhà cho đến khi nào dịch bệnh tan biến mới thôi. Chẳng bao lâu sau nạn dịch, mọi người đều công nhận tác dụng tốt của việc cách ly.

Năm 1374, chính quyền thành phố Venise đã cấm những khách du lịch bị nghi ngờ là có mang theo bệnh dịch hạch. Năm 1383, những con tàu có mang mầm bệnh dịch đến cảng Marseille (Pháp) đã bị giữ lại 40 ngày để "carantin" (cách ly kiểm dịch), từ này lấy từ gốc tiếng Italia quanranta, có nghĩa là 40. Biện pháp này chỉ là biện pháp nhất thời để kiểm tra việc lây lan bệnh dịch hạch, bởi vì nguồn gây bệnh truyền nhiễm đầu tiên là chuột và bọ chét lại di chuyển bất chấp mọi biên giới.

"Cái chết đen" là bệnh dịch hạch đầu tiên đe dọa chây Âu vào giữa thế kỷ XIV và nó lan truyền cả châu Âu và Trung Á. Bệnh dịch này đã từng xuất hiện lần đầu ở châu Âu vào thế kỷ VI.

Quang cảnh người dân châu Âu bị Cái chết đen hoành hành (Nguồn: BBC)

Cũng có thể chính bệnh dịch này đã từng uy hiếp những người dân Philistin (một dân tộc sống ở ven bờ Địa Trung Hải) vào thế kỷ XI TCN; khi đó dịch bệnh trừng phạt họ vì đã chiếm cái bè thiêng liêng của người Do Thái nên Thượng đế "đã làm cho cả đàn ông trong thành, từ người già đến trẻ nhỏ đều bị xuất hiện những nốt tím bầm máu ở những chỗ hiểm".

Và sau "cái chết đen" lần đầu còn xảy ra vô số những lần mắc nạn dịch hạch này. Những cơn bệnh dịch nguy hiểm nhất xảy ra vào thế kỷ XVII. Năm 1625, ở London đã có tới 35.000 người chết và vào năm 1665, lại có thêm 20.000 người nữa thiệt mạng vì bệnh dịch này.

Năm 1720, ở Marseille (Pháp) và những vùng lân cận có gần 50.000 người bỏ mạng. Chỉ sau đó bệnh dịch hạch mới không còn đe dọa châu Âu nữa, có thể vì nhờ sự phát triển của kỹ nghệ, đồng thời tại châu Âu đã xây dựng được những ngôi nhà bằng đá, phố xá được cọ rửa sạch sẽ và điều kiện vệ sinh của các thành phố đã được cải thiện nhiều.

Những cái chết đau đớn từ bệnh dịch hạch (Nguồn: Secret History)

Nhưng có những vùng kém phát triển như ở Ai Cập, vùng hạ lưu sông Volga, Ấn Độ và ở Trung Quốc, bệnh dịch hạch đe dọa trong suốt thế kỷ XIX. Cơn bệnh dịch khủng khiếp nhất bùng nổ vào năm 1890 tại Trung Quốc, và cũng vào năm đó người ta tìm ra được vi khuẩn gây bệnh dịch hạch. Tiếp đó lan sang Nam Mỹ, năm 1922, cơn bệnh bùng nổ tại Florida (Mỹ).

Ngày nay, con người có thể kiểm soát và chữa trị được bệnh dịch hạch. Hằng năm, bệnh dịch này vẫn đe dọa sinh mạng của hàng trăm con người, nhưng cũng chỉ số ít thiệt mạng. Chỉ trong trường hợp có thảm họa toàn cầu thì "những bóng đen của tử thần" thời kỳ Trung cổ mới có thể tìm lại được sức mạnh xa xưa.