Giải mã lý do Nam Phi quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân

ANTD.VN - Cộng hòa Nam Phi là quốc gia duy nhất trên thế giới xây dựng chương trình vũ khí hạt nhân sau đó tự nguyện từ bỏ do điều kiện trong nước và quốc tế thay đổi. Tại sao Nam Phi quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân? Câu trả lời mang tính đặc hữu nhưng nó có thể là bài học cho những nước đang định chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân hiện nay.
 

Nam Phi đã từng sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng đã tháo rời mọi thiết bị liên quan từ năm 1994

Tiền đề để phát triển vũ khí hạt nhân

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nam Phi tìm đến vũ khí hạt nhân từ những lý do quen thuộc giống như các nước khác. Mặc dù Pretoria muốn vượt trội so với bất kỳ đối thủ nào trong khu vực, nhưng họ cũng lo lắng vì lợi thế có thể bị xói mòn theo thời gian. Vũ khí hạt nhân không chỉ là cách đối đầu trực tiếp với một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Nam Phi mà còn là một phương tiện để thúc đẩy hỗ trợ ngoại giao và quân sự trong khủng hoảng. Chính phủ Nam Phi cho rằng, sự bãi bỏ hệ thống phân biệt chủng tộc của mình có thể ngăn viện trợ từ các nước phương Tây (bao gồm cả Mỹ) khi xảy ra đối đầu nghiêm trọng với Liên Xô hoặc các đồng minh. 

Bên cạnh đó, Nam Phi có thể khai thác lượng uranium cần thiết trên lãnh thổ và làm giàu nó trong các cơ sở nội địa. Với nền kinh tế công nghiệp hiện đại, có sự tiếp xúc với các cơ sở nghiên cứu và công nghệ tinh vi ở Mỹ và châu Âu, Nam Phi khá dễ dàng phát triển chuyên môn kỹ thuật cần thiết nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân. Từ năm 1948, Nam Phi rất quan tâm đến năng lượng nguyên tử và lợi ích về ngành công nghiệp khai thác, thương mại và năng lượng kèm theo.

 “Chúng ta phải đặt câu hỏi, nghe có vẻ ngây thơ đối với những người đã xây dựng các lập luận tinh vi để biện minh cho việc họ từ chối loại bỏ những vũ khí hủy diệt hàng loạt khủng khiếp và đáng sợ này - tại sao họ vẫn cần chúng? Trong thực tế, không có câu trả lời hợp lý nào có thể được đưa ra để giải thích một cách thỏa đáng. Suy cho cùng, đó là hậu quả của Chiến tranh Lạnh và sự gắn bó với việc sử dụng mối đe dọa của vũ lực để khẳng định tính ưu việt của một số quốc gia khác”

Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela (phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc năm 1998)

Năm 1957, Chính phủ Nam Phi đã mua của Mỹ lò phản ứng hạt nhân đầu tiên. Các báo cáo của Mỹ cho thấy, Nam Phi chính thức bắt đầu chương trình vũ khí hạt nhân vào năm 1973. Tuy nhiên, trước áp lực quốc tế lớn, họ không thể thử nghiệm những vũ khí này, thậm chí phải hủy bỏ việc tiến hành một vụ nổ ngầm vào năm 1977.

Năm 1982, Nam Phi phát triển và chế tạo thiết bị nổ hạt nhân đầu tiên và đến năm 1989, quốc gia này đã sở hữu 6 quả bom hạt nhân, mỗi quả chứa 55kg urani rất giàu, sức công phá tương đương 19 kiloton TNT (tương tự quả bom rơi xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945). Tuy vậy, các thiết bị này lại quá lớn, không phù hợp với bất kỳ tên lửa nào của Nam Phi lúc đó. Nếu sử dụng thì chỉ còn cách đặt lên các máy bay ném bom như English Electric Canberra hoặc Blackburn Buccaneer. 

Hỗ trợ của nước ngoài

Tin đồn về sự hỗ trợ nước ngoài đối với chương trình hạt nhân Nam Phi đã lan truyền trong nhiều năm. Theo nguyên tắc chung, các quốc gia không công khai về những đóng góp của họ cho sự phổ biến hạt nhân. Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ hoặc có thông tin về ít nhất 4 quốc gia đã tham gia hỗ trợ ít nhiều cho chương trình hạt nhân của Nam Phi. Trong số đó, Mỹ cung cấp phần lớn công nghệ ban đầu liên quan đến chương trình hạt nhân dân sự của quốc gia này.

Mặc dù không có ý định tăng tốc, sự trợ giúp của Mỹ đã tạo cơ sở cho chương trình hạt nhân cuối cùng của Nam Phi. Pháp và Pakistan cũng có thể đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật tại các thời điểm khác nhau trong quá trình phát triển. Trường hợp thứ tư là Israel. Trong Chiến tranh Lạnh, Đài Loan (Trung Quốc), Israel và Nam Phi đã tạo thành “Trục những người bị ruồng bỏ” - tức các quốc gia và vùng lãnh thổ bị cộng đồng ngoại giao phớt lờ. Israel rất có thể đã cung cấp một số công nghệ liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Nam Phi, mặc dù việc kết hợp các tên lửa này với thiết bị hạt nhân không đạt được kết quả. 

Israel và Nam Phi cũng trao đổi một số thành phần vật chất cơ bản của các thiết bị hạt nhân. Do được giữ bí mật, mức độ hợp tác kỹ thuật giữa 2 quốc gia có thể không bao giờ được tiết lộ, nhưng các thiết bị hạt nhân của Nam Phi nói chung không giống với những thứ ở trong kho vũ khí của Israel. 

Thay đổi mang tính bước ngoặt

Kết thúc Chiến tranh Lạnh, căng thẳng giảm đi, dẫn đến nhu cầu răn đe hạt nhân cũng giảm xuống. Các quốc gia châu Phi không còn có thể trông cậy vào Liên Xô và Cuba để được hỗ trợ và do đó không thể là mối đe dọa quân sự thực sự đối với Nam Phi. Đồng thời, Pretoria đã đưa ra những nhượng bộ ngoại giao quan trọng giúp giảm căng thẳng trong khu vực, bao gồm cả việc trao độc lập cho Namibia.

Đúng thời điểm đó, Nam Phi quyết định chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc. Trong quá trình thống nhất đất nước, Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) không thấy lợi ích gì khi phải trả giá về ngoại giao và quân sự để duy trì răn đe hạt nhân. Bởi vậy, đến năm 1994, tất cả các thiết bị hạt nhân của Nam Phi đã bị tháo rời. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận, Nam Phi đã tự phá hủy tất cả vũ khí hạt nhân của họ.

Tháng 2-2019, Nam Phi đã phê chuẩn và nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) lên Liên Hợp quốc, chính thức trở thành quốc gia thứ 22 trên thế giới phê chuẩn hiệp ước này. Trước đó, tại lễ ký kết TPNW vào tháng 9-2017, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma nhấn mạnh: “Là một quốc gia tự nguyện dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, Nam Phi có quan điểm chắc chắn rằng, không có sự an toàn nào cho vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc ký và phê chuẩn TPNW để thế giới và nhân loại loại bỏ những vũ khí hủy diệt hàng loạt này”.

Như vậy, Nam Phi là quốc gia duy nhất trên thế giới tự nguyện từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân. Đây là trường hợp mang tính đặc thù, sự thay đổi chế độ cùng các mối đe dọa an ninh mất đi đã khiến Nam Phi có thay đổi lớn trong chính sách an ninh quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng, cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân có nguy cơ “nóng” trở lại, khả năng tự từ bỏ vũ khí hạt nhân của những nước đang sở hữu vũ khí này dường như còn quá xa vời. 

Dấu mốc chương trình vũ khí hạt nhân Nam Phi

- Từ năm 1948, Nam Phi - quốc gia giàu tiềm năng uranium - rất quan tâm đến năng lượng nguyên tử và lợi ích về ngành công nghiệp khai thác, thương mại và năng lượng kèm theo. 

- Năm 1957, Chính phủ Nam Phi đã mua của Mỹ lò phản ứng hạt nhân đầu tiên.

- Năm 1973, Nam Phi chính thức bắt đầu chương trình vũ khí hạt nhân và năm 1982 đã chế tạo thành công thiết bị nổ hạt nhân đầu tiên.

- Năm 1989, Nam Phi đã sở hữu 6 quả bom hạt nhân, mỗi quả chứa 55kg urani rất giàu với sức công phá tương đương 19 kiloton TNT. Tuy nhiên, cùng năm đó họ chính thức chấm dứt chương trình hạt nhân. 

- Năm 1991, với tư cách là quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân, Nam Phi đã tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. 

- Năm 1994, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận Nam Phi đã tự phá hủy tất cả vũ khí hạt nhân của nước này. 

- Năm 2017, Nam Phi trở thành quốc gia thứ 22 trên thế giới phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân và khẳng định luôn ủng hộ, không ngừng nỗ lực vì một châu Phi và thế giới không vũ khí hạt nhân.