Giá vàng tăng mạnh, nhưng người giữ vàng 1 năm qua vẫn gần như không có lãi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù giá vàng bán ra đã tăng gần 11% trong năm qua, tuy nhiên, việc doanh nghiệp có quyền tùy ý điều chỉnh chênh lệch mua vào – bán ra đã khiến người giữ vàng gần như không có lãi trong năm qua.

Giá vàng trong nước đã kết thúc 1 năm đầy biến động khi vàng SJC có thời điểm đã thiết lập mức giá cao kỷ lục mọi thời đại, quanh 80,2 triệu đồng/lượng trước khi liên tục giảm sâu sau những chỉ đạo bình ổn thị trường của Thủ tướng Chính phủ.

Chốt phiên giao dịch cuối năm 2023, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 71,00 – 74,00 triệu đồng/lượng. Ghi nhận những ngày cuối năm, nhu cầu mua - bán vàng tăng cao hơn, đặc biệt nhiều người dân đã quyết định bán vàng chốt lời do lo ngại giá tiếp tục giảm.

"Luật chơi" trên thị trường vàng nằm trong tay các doanh nghiệp

"Luật chơi" trên thị trường vàng nằm trong tay các doanh nghiệp

Nếu tính theo giá bán ra, giá vàng SJC đã tăng khá mạnh trong năm qua, từ mức 66,7 triệu đồng/lượng hồi đầu năm lên 74,00 triệu đồng/lượng vào cuối năm, tương đương mức tăng gần 11%.

Tuy nhiên, đáng nói, với việc doanh nghiệp điều chỉnh chênh lệch mua bán nới rộng trong những ngày cuối năm, khiến người giữ vàng từ đầu năm tới nay lại gần như không có lãi.

Cụ thể, một số doanh nghiệp đã đưa mức chênh này lên kỷ lục, tới 6 triệu đồng/lượng. Đơn cử như DOJI, giá mua vào – bán ra trong phiên cuối cùng của năm là 68,00 – 74,00. Như vậy, nếu mang vàng đi bán vào cuối năm, người dân cũng chỉ được mức giá 68,00 triệu đồng/lượng, cao hơn không đáng kể so với giá mua hồi đầu năm là 66,7 triệu đồng/lượng.

Điều này đã khẳng định lời cảnh báo của nhiều chuyên gia trước đó, về những rủi ro khi nắm giữ vàng, bởi vì với đặc thù và sự khan hiếm hiện tại của thị trường trong nước các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tùy ý điều chỉnh mức chênh lệch giá mua vào – bán ra để hạn chế rủi ro cho mình, đẩy phần thiệt về phía khách hàng.

Trong khi đó, trên thị trường thế giới giá vàng chênh lệch giữa mua vào – bán ra chỉ ở mức 1 USD mỗi ounce, quy ra vàng Việt Nam thì chênh lệch chỉ khoảng 28.000 đồng mỗi lượng.

Trong các động thái gần đây của cơ quan quản lý khi thị trường sốt nóng, nhiều khả năng tới đây sẽ có những động thái chính sách để giảm độc quyền trên thị trường vàng, qua đó sẽ giúp thị trường trong nước và thế giới liên thông hơn với nhau.

Ông Đào Xuân Tuấn, vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang tổng kết, đánh giá việc triển khai nghị định 24, trong đó sẽ đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp.

“Trong tháng 1-2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường” – ông Tuấn nói.

Vị đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ban ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động kinh doanh vàng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng kết thúc năm ở mức 2.063 USD/ounce, tăng hơn 13% vào năm 2023, mức tăng hàng năm đầu tiên sau 3 năm giảm, đồng thời cũng giúp vàng đạt mức cao kỷ lục mới trong năm.

Giá vàng thế giới tăng, chủ yếu được hỗ trợ bởi kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương lớn sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới. Cụ thể, sau khi thực hiện chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ bắt đầu vào đầu năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) dự kiến ​​sẽ bắt đầu nới lỏng sớm nhất vào tháng 3 tới trong bối cảnh có dấu hiệu lạm phát ở Mỹ đang hạ nhiệt.

Cùng với đó, căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông và viễn cảnh về một cuộc chiến kéo dài ở Gaza đã thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng. Dự kiến những yếu tố này sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường kim loại quý trong năm 2024.