Giá vàng quay đầu giảm sau thông điệp “diều hâu” của Chủ tịch Fed

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đà phục hồi của giá vàng bị chặn đứng sau thông điệp của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể trở nên quyết liệt hơn nếu lạm phát không giảm.

Trong phiên giao dịch ngày 17/5 (đêm qua theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đã giảm hơn 8 USD mỗi ounce, chốt phiên tại 1.812,7 USD/ounce. Sang đến sáng nay tại thị trường châu Á, kim loại quý tiếp tục đi xuống và đang giao dịch quanh 1.811,7 USD/ounce.

Dù giá vàng thế giới giảm, song một số doanh nghiệp vàng trong nước vẫn giữ giá giao dịch ở mức cao. Trong đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giữ nguyên mức giá giao dịch trong nhiều phiên, ở mức 68,25 – 69,25 triệu đồng/lượng tại TP.HCM, 68,25 – 69,27 triệu đồng/lượng tại Hà Nội.

Trên thị trường, các doanh nghiệp có xu hướng giảm giá vàng nhưng mức giảm không đáng kể. Vàng SJC đang được giao dịch phổ biến quanh 68,15 – 69,00 triệu đồng/lượng.

Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá hiện hành, giá vàng quốc tế đang ở mức 51,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng trong nước khoảng 18 triệu đồng/lượng.

Giá vàng quay đầu giảm trước lo ngại lãi suất sẽ tăng mạnh hơn dự kiến

Giá vàng quay đầu giảm trước lo ngại lãi suất sẽ tăng mạnh hơn dự kiến

Sở dĩ giá vàng thế giới mất đà phục hồi là do phản ứng với thông điệp của Chủ tịch Fed khi ông cho biết có thể đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ nếu lạm phát không giảm.

"Những gì chúng ta cần thấy là bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng áp lực lạm phát đang giảm và lạm phát đang giảm xuống. Và nếu chúng ta không thấy điều đó, thì chúng ta sẽ phải xem xét những biện pháp mạnh mẽ hơn” – ông Powell nói trong một sự kiện trực tiếp của Wall Street Journal.

Fed được ước tính sẽ đạt được mức lãi suất bình thường vào khoảng quý 4 năm nay. Tuy nhiên, ông Powell cho biết đó không phải là điểm dừng. “Chúng tôi không tự tin đâu là điểm trung lập. Chúng tôi không biết đâu là chặt chẽ, đặc biệt là trong môi trường lạm phát cao hơn và tăng trưởng rất mạnh trong một thị trường lao động thực sự eo hẹp", ông nói thêm .

Thậm chí, Chủ tịch Fed cũng thừa nhận rằng thật tốt khi thấy các thị trường tài chính bán tháo trong tuần qua vì điều đó sẽ dẫn đến tăng trưởng chậm hơn, ảnh hưởng đến nhu cầu và tạo cơ hội cho phía cung bắt kịp. "Những gì chúng ta cần thấy là tăng trưởng đang giảm từ mức rất cao mà chúng ta đã thấy vào năm ngoái" – ông nói và tin rằng Mỹ có vị trí tốt để chịu được chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Ảnh hưởng của xung đột ở Ukraine và việc đình trệ do Covid-19 ở Trung Quốc vẫn là hai rủi ro đáng kể nhất nằm ngoài tầm kiểm soát của Fed, đè nặng lên tăng trưởng và đẩy lạm phát lên cao. "Họ đang ngăn cản bất kỳ sự chữa lành nào của các vấn đề trong chuỗi cung ứng. Điều đó sẽ khiến lạm phát khó giảm hơn" – ông nói.