Giá vàng quay đầu giảm mạnh từ mức đỉnh lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá vàng trong nước hôm nay đồng loạt quay đầu giảm khi vàng thế giới đi xuống sau khi thiết lập kỷ lục mới trên 2.300 USD/ounce, do áp lực bán kỹ thuật.

Sáng nay, giá vàng trong nước đồng loạt quay đầu giảm.

Lúc 9h sáng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC mua vào – bán ra ở mức 78,90 – 80,90 triệu đồng/lượng, giảm 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra so với chốt phiên hôm qua. Tuy nhiên so với đầu giờ sáng qua, giá thương hiệu vàng quốc gia này đã giảm tới 800 nghìn đồng mỗi lượng.

Tại DOJI, mức giảm giá vàng SJC là 300 nghìn đồng/lượng, niêm yết tại 78,40 – 80,70 triệu đồng/lượng.

PNJ sáng nay cũng giảm giá vàng miếng với mức giảm 300 nghìn đồng/lượng, giao dịch tại 78,70 – 80,80 triệu đồng/lượng.

Giá vàng hôm nay giảm khá sâu từ mức đỉnh mới được thiết lập

Giá vàng hôm nay giảm khá sâu từ mức đỉnh mới được thiết lập

Bảo Tín Minh Châu có cùng mức giảm, giao dịch tại 78,70 – 80,70 triệu đồng/lượng; Phú Quý giảm 500 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào, giảm 400 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, xuống 78,50 – 80,80 triệu đồng/lượng...

Tương tự, vàng 9999 các thương hiệu khác cũng quay đầu giảm khoảng 300 – 500 nghìn đồng mỗi lượng tùy từng doanh nghiệp.

Theo đó, vàng nhẫn 9999 của SJC đang được mua - bán tại 70,50 – 71,75 triệu đồng/lượng; nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng 9999 niêm yết 70,35 – 71,65 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn Bảo Tín Minh Châu 70,68– 71,88 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn Phú Quý 70,50 – 71,75 triệu đồng/lượng…

Trên thế giới, thị trường vàng đã chịu một số áp lực bán kỹ thuật khi kim loại quý này vượt mức 2.300 USD/ounce. Hiện giá vàng giao ngay đang giao dịch quanh 2.273 USD/ounce, giảm khoảng 25 USD trong phiên.

Theo một số nhà phân tích, động thái quay đầu giảm của giá vàng không có gì đáng ngạc nhiên, kim loại quý đang chịu một số áp lực bán kỹ thuật sau khi đạt mức cao mới mọi thời đại là trên 2.320 USD/ounce.

Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng đà tăng của kim loại quý chưa chấm dứt. Cam kết của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell rằng sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm nay sẽ vẫn là động lực thúc đẩy thị trường kim loại quý.

Ngoài ra, các rủi ro địa chính trị gia tăng, bao gồm cả ở Trung Đông và Ukraine cũng góp phần thúc đẩy kim loại quý đi lên khi được xem là kênh trú ẩn an toàn.

Cùng với đó, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương vẫn rất lớn. Báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương tiếp tục bổ sung lượng vàng nắm giữ trong tháng 2 vừa qua, đánh dấu tháng tích lũy thứ 9 liên tiếp. Trung Quốc chiếm vị trí hàng đầu trong hoạt động này, trong khi Ấn Độ và Kazakhstan cũng đẩy mạnh mua vào kim loại quý...