Giá vàng liên tiếp phá kỷ lục: Chuyên gia nói cho phép nhập khẩu vàng sẽ giúp hạ nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kể từ cuối tuần trước đến nay, giá vàng trong nước liên tục thiết lập kỷ lục mới, không chỉ do đà tăng của vàng thế giới mà còn do tình trạng khan hiếm vàng trong nước khi doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Giá vàng vẫn chưa ngừng nóng lên

Đến đầu giờ chiều nay (7/3), giá vàng giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đã tăng lên mức 79,3-81,3 triệu đồng/lượng, tăng 300 nghìn đồng/lượng so với hôm qua.

Đáng nói, sự khan hiếm kể từ đầu năm nay đã lan sang cả vàng nhẫn khi nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng cháy hàng. Giá nhẫn tròn trơn 9999 của SJC hôm nay cũng tăng thêm 300 nghìn đồng/lượng lên 66,8-68,0 triệu đồng/lượng;

Tương tự, nhẫn Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu lên 67,68 – 68,88 triệu đồng/lượng; nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng 67,50 – 68,80 triệu đồng/lượng…

Như vậy, chỉ tính trong hơn 2 tháng đầu năm, giá vàng SJC trong nước đã tăng mạnh tới hơn 8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng hơn 7 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Trong khi vàng nhẫn cũng tăng thêm khoảng 5 triệu đồng mỗi lượng.

Trên thị trường quốc tế, thị trường kim loại quý có sự khởi sắc rõ ràng trong những phiên gần đây. Tuy nhiên, tính từ đầu năm vàng giao ngay cũng chỉ tăng chưa đầy 90 USD/ounce (đang giao dịch quanh 2.154 USD/ounce).

Quy đổi theo tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại, giá vàng quốc tế chỉ tương đương khoảng trên 64 triệu đồng/lượng, thấp hơn hơn 17 triệu đồng/lượng so với vàng SJC.

Nhu cầu mua vàng lớn khiến vàng trong nước trở nên khan hiếm

Nhu cầu mua vàng lớn khiến vàng trong nước trở nên khan hiếm

Phân tích về đà tăng của thị trường vàng, theo đại diện Hội đồng Vàng thế giới (WGC), một trong những nguyên nhân đến từ nhu cầu dự trữ của các ngân hàng Trung ương. Theo WGC, tổng nhu cầu về vàng trong năm 2023 (tính cả thị trường OTC và các nguồn dự trữ vàng) đã tăng lên mức kỷ lục cao nhất là 4.899 tấn. Lượng giao dịch mua vàng thuần của khối này năm 2023 đạt 1.037 tấn, gần đạt mức kỷ lục năm 2022, chỉ ít hơn 45 tấn.

Theo ông Shaokai Fan là Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, xu hướng mua ròng vàng của khối ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục trong năm 2024, do chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng ở các quốc gia. Đây là yếu tố thúc đẩy giá vàng thời gian tới. Xu hướng này chỉ đảo có thể ngược khi xảy ra khủng hoảng tài chính quy mô lớn, buộc ngân hàng trung ương các nước buộc phải bán vàng dự trữ. Tuy nhiên, khả năng này là khó xảy ra.

Đồng nội tệ ổn định, sẽ không có nguy cơ vàng hóa

Việc thị trường vàng trong nước nóng lên từ đầu năm một lần nữa lại khiến nhiều người sốt ruột về việc sửa Nghị định 24 của Chính phủ về việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Với nhiều yếu tố nhạy cảm của thị trường này có thể tác động đến sự ổn định của thị trường tiền tệ, việc xem xét tổng kết, đánh giá Nghị định này đã được dời deadline cho Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 1 đến cuối quý I/2024.

Một trong những vấn đề trọng tâm đang được cơ quan quản lý xem xét khi sửa Nghị định 24, là có nên cho nhập khẩu vàng nguyên liệu, qua đó sẽ giúp tăng nguồn cung, kéo giảm chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và quốc tế. Điều này đã được rất nhiều chuyên gia cũng như doanh nghiệp kinh doanh vàng kiến nghị.

Theo ông Shaokai Fan, NHNN chắc chắn sẽ phải cân nhắc nhiều phương án khác nhau trong sửa đổi nội dung Nghị định 24, trên cơ sở không làm gián đoạn thị trường vàng. Ông cho rằng, bất kỳ quy định mới nào cho phép nhập khẩu vàng cũng sẽ giúp kéo giảm khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Liên quan đến việc ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối, ông Shaokai Fan cho rằng đương nhiên nhập khẩu vàng sẽ có tác động nhất định tới kinh tế vĩ mô, song vị thế dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với trước đây.

“Điều quan trọng nhất, như chúng ta thấy, ngay cả khi Việt Nam đang quản lý nhập khẩu vàng chính ngạch rất chặt chẽ thì nhu cầu vàng trong nước vẫn rất mạnh mẽ và vẫn đang được đáp ứng bởi nguồn vàng đến từ đâu đó, nếu không phải từ nguồn chính thức thì sẽ là nguồn phi chính thức. Vì vậy, sửa đổi Nghị định 24 một cách phù hợp sẽ giúp Chính phủ quản lý được nguồn vàng chính thức” – đại diện Hội đồng Vàng thế giới nêu quan điểm.

Đối với lo ngại “vàng hóa” nền kinh tế, ông cho rằng, đây không còn là mối lo ngại của Việt Nam do vị thế kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay đã khác rất nhiều 15 năm trước.

“Điều quan trọng là Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lòng tin vào đồng nội tệ. Chừng nào nền kinh tế vẫn tăng trưởng, đồng nội tệ vẫn ổn định thì sẽ không có nguy cơ vàng hóa” – ông nhận định.

Vị chuyên gia cũng đề xuất Việt Nam có thể học hỏi mô hình quản lý thị trường vàng của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ…, theo đó có thể biến vàng là sản phẩm tài chính chứ không phải chỉ trao đổi vàng vật chất.