Giá vàng dừng đà giảm, hồi phục về mức 65 triệu đồng/lượng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi giảm sâu tới 3,5 triệu đồng/lượng trong phiên sáng nay thì giá vàng đã hồi phục trở lại trong phiên chiều, thậm chí chiều bán ra còn tăng so với phiên hôm qua, ở mức 65 triệu đồng/lượng.

Tính đến 16h chiều, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 63,00 – 65,00 triệu đồng/lượng.

Như vậy, mức giá này đã hồi phục đáng kể so với buổi sáng. So với chốt phiên hôm qua, vàng SJC chỉ còn giảm 500 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng đã tăng 500 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

Trước đó, trong phiên sáng, thương hiệu vàng này đã giảm mạnh tới 3,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào, giảm 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Trong phiên hôm qua, mức giảm cũng lên tới 5,55 triệu đồng/lượng chiều mua vào, giảm 4,15 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Dù giảm mạnh nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn vàng thế giới tại thời điểm này là khoảng trên dưới 15 triệu đồng mỗi lượng.

Trong khi đó, các thương hiệu vàng phi SJC duy trì mức giá khá ổn định và tương đối gần với giá vàng thế giới, ở mức khoảng 51,60 – 51,80 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đã phục hồi trở lại từ mức giảm rất sâu trong phiên sáng và phiên hôm qua

Giá vàng đã phục hồi trở lại từ mức giảm rất sâu trong phiên sáng và phiên hôm qua

Việc giá vàng SJC chênh lệch lớn với giá vàng thế giới là do thương hiệu này được sản xuất độc quyền bởi một doanh nghiệp là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn và doanh nghiệp cũng không được chủ động nhập vàng nguyên liệu để gia công vàng SJC bán ra thị trường.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu quốc hội đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng về chênh lệch giữa giá vàng trong nước với vàng thế giới. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, giá vàng có chung xu hướng với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, tốc độ điều chỉnh giảm của giá vàng trong nước lại chậm hơn giá vàng thế giới.

Thống đốc cũng cho biết hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động các phương án điều tiết, sẵn sàng can thiệp nếu thấy cần. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật thì người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều, thậm chí còn có xu hướng bán ròng. Do vậy, chỉ trong trường hợp cần thiết thì Ngân hàng Nhà nước mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp.

Nhiều doanh nghiệp trước đó cũng từng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, tuy vậy một số chuyên gia cho rằng điều này sẽ khó xảy ra. Nguyên nhân do Nghị định 24/2012 đã có tác động rõ rệt trong việc chống vàng hóa nền kinh tế, do đó, việc cho phép nhập khẩu vàng sẽ là không cần thiết ở khía cạnh cơ quan quản lý.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng trước đây, thị trường vàng cũng đã từng xảy ra bất ổn đối với nền kinh tế vĩ mô nên Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 với chủ trương chống vàng hóa.

Từ khi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, các chính sách quản lý nhà nước được thực hiện hiệu quả, nhiều năm nay thị trường tiền tệ ngoại hối ổn định, giúp Việt Nam được nâng hạng theo các đánh giá quốc tế.

Dù vậy, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên sửa đổi Nghị định 24/2012 theo hướng cho phép thành lập sàn vàng thương mại để giá vàng trong nước liên thông hơn với vàng thế giới.