Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục dẫn đầu, giá thu mua lúa trong nước tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Bộ NN&PTNT, những ngày đầu tháng 11-2022, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức 425 - 430 USD/tấn.

Trong tuần qua, giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng tăng 5 USD/tấn nhưng vẫn thấp hơn hàng cùng loại của Việt Nam khoảng 20 USD/tấn.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ lại giảm 9 USD/tấn so với tuần trước, xuống còn 375 - 384 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ xuống thấp nhất trong 2 tháng qua là do đồng rupee lao dốc, nhu cầu từ châu Phi giảm dần trong khi nguồn cung từ vụ mới tăng lên.

Tại Việt Nam, giá gạo trong nước đang tăng do nguồn cung khan hơn , trong khi các nhà xuất khẩu tăng cường thu mua lúa từ nông dân để hoàn thành các hợp đồng đã ký.

Đồng tiền của Việt Nam năm nay đã giảm 8% so với đồng USD, khuyến khích các nhà xuất khẩu đẩy mạnh bán hàng ra nước ngoài.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu, vượt qua Thái Lan

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu, vượt qua Thái Lan

Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy khoảng 15.000 tấn gạo sẽ được bốc xếp tại cảng TP.HCM trong 10 ngày đầu tháng 11, phần lớn gạo sẽ được xuất sang Philippines, Papua New Guinea.

Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu đã giúp giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh trong những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11 trong bối cảnh nhu cầu sôi động, nguồn cung khan hiếm.

Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 tăng từ mức 5.800 đồng/kg lên 6.400 đồng/kg, còn lúa OM 5451 tăng thêm 400 đồng/kg, bán ra ở mức 6.300 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, lúa IR50404 giữ ở mức 6.200 - 6.400 đồng/kg, còn lúa OM 5451 bật tăng 800 - 900 đồng/kg, lên mức 7.600 - 7.800 đồng/kg. Đài thơm tăng vọt 1.000 - 1.100 đồng/kg lên mức 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Lúa IR50404 tại Vĩnh Long duy trì ở mức 5.700 đồng/kg.

Bộ NN&PTNT cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10 năm nay ước đạt 700.000 tấn với giá trị đạt 334 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 6,07 triệu tấn với 2,94 tỉ USD, tăng 17,2% về khối lượng và tăng 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ngành gạo Việt trong những năm gần đây đang có sự chuyển dịch từ gạo ở phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao.

Nhờ đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Đơn cử, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ tám tháng năm nay tăng 84,8%, sang thị trường EU tăng 82,2%.

Nhận định về bức tranh thị trường gạo cuối năm, các doanh nghiệp cho rằng xu hướng tăng sẽ kéo dài trong thời gian tới. Mức giá cao của gạo Việt Nam sẽ kéo dài đến cuối tháng 12.

Nguyên nhân là thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á, nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu, tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, nước có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt.

Bên cạnh đó, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo 100% và đánh thuế gạo trắng 20% cùng với tình trạng khan hiếm lương thực trên thế giới thì đây là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nếu không có những bất thường về thời tiết, dịch bệnh, Việt Nam đủ lượng 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo để xuất khẩu và dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm nay đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỉ USD.

"Điều đáng ghi nhận là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng, gạo Việt Nam ngày càng tiếp cận được với những thị trường khó tính, khẳng định sự đúng hướng trong việc chuyển hướng tăng cường sản xuất gạo chất lượng cao của ngành nông nghiệp" - ông Tiến nói.