Giá cổ phiếu rẻ - thời điểm thích hợp để đầu tư
(ANTĐ) - Ngày 12-9, Công ty Đầu tư Chứng khoán Hàn Quốc (KIS) chính thức khai trương văn phòng đại diện tại Việt Nam và trở thành tập đoàn Hàn Quốc đầu tiên thâm nhập TTCK nước ta.
Ông James Sang-Ho Ryu - Tổng Giám đốc KIS đã thẳng thắn nhận xét về những hạn chế của TTCK Việt Nam nhưng cũng đầy lạc quan trước sự phát triển của thị trường này trong thời gian tới.
- PV: Lý do nào để KIS quyết định tham gia vào TTCK Việt Nam?
- Ông James Sang-Ho Ryu: Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng. Hiện tại, Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế cao so với các nước trên thế giới; thị trường tài chính nói chung và TTCK đang tăng tốc rất ấn tượng. Chúng tôi tin rằng có thể tìm kiếm, khai thác được nhiều cơ hội tốt khi xâm nhập, kinh doanh tại thị trường này.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được xem như là một trục nòng cốt quan trọng về tài chính, tín dụng để KIS có thể dễ dàng thâm nhập các thị trường mới nổi khác ở khu vực Đông Dương như Lào, Campuchia…
- PV: “Đặt chân” vào Việt Nam trong bối cảnh TTCK đang trong giai đoạn điều chỉnh giảm và đã có một số tổ chức nước ngoài nhận định “bi quan” về thị trường. Điều này có làm KIS lo ngại?
- Ông James Sang-Ho Ryu: Thời gian qua, giá của các cổ phiếu trên TTCK Việt Nam đã giảm tương đối mạnh. Chúng tôi cho rằng, đây là một diễn biến bình thường bởi sau một thời gian phát triển quá nóng, thị trường có sự điều chỉnh để tạo một sức bật về sau. Hơn thế nữa, với chúng tôi, đây chính là thời điểm thích hợp để đầu tư vì các cổ phiếu đang rất rẻ.
Mặt khác, TTCK Việt Nam còn non trẻ với nhiều biến động. Điều này cũng đồng nghĩa với sự tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng là một nhà kinh doanh, chúng tôi ý thức được rằng, nếu không dám đương đầu với rủi ro thì sẽ không bao giờ có lợi nhuận. Chúng tôi cũng xác định chiến lược đầu tư dài hạn, nên tôi tin chắc rằng, trong tương lai, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì TTCK Việt Nam cũng sẽ có những bước phát triển vững chắc và yếu tố rủi ro cũng theo đó mà giảm thiểu.
- PV: Ông nhận định như thế nào về sự phát triển của TTCK Việt Nam trong thời gian tới?
- Ông James Sang-Ho Ryu: Theo tôi được biết, hiện nay, tổng giá trị vốn hóa của TTCK Việt Nam đã đạt 30% GDP và tổng mức huy động vốn trong 8 tháng đầu năm nay đã gấp 2 lần so với năm 2006. Nếu nhìn về dài hạn, theo tôi trong tương lai không xa, khó có một TTCK nào đem lại lợi nhuận nhiều cho các công ty chứng khoán cũng như cho nhà đầu tư (NĐT) như TTCK Việt Nam.
Sàn Hà Nội sức hút mới |
- PV: Ông nói rằng TTCK Việt Nam vẫn chưa phát triển xứng đáng với tiềm năng, nguyên nhân là gì?
- Ông James Sang-Ho Ryu: Quy mô của TTCK Việt Nam còn rất nhỏ so với nền kinh tế. Thông tin cung cấp cho các NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài còn rất ít. Hệ thống giao dịch chưa phát triển hoàn chỉnh và chưa hiện đại. Đây là những vấn đề Việt Nam nên thay đổi càng nhanh càng tốt.
- PV: TTCK Việt Nam có điểm gì giống và khác với TTCK Hàn Quốc?
- Ông James Sang-Ho Ryu: Về quy mô thì TTCK Hàn Quốc gấp 50 lần so với Việt Nam, đồng thời đã thiết lập được hệ thống giao dịch rất hiện đại. Tuy nhiên, nét tương đồng dễ nhận thấy nhất giữa hai thị trường này là đều chịu ảnh hưởng rất nhiều từ NĐT nước ngoài. Còn điểm khác nhau giữa hai thị trường này chính là ở đối tượng NĐT.
Ở Việt Nam tôi thấy NĐT chủ yếu là cá nhân. Nhưng ở Hàn Quốc thì ngược lại. Số lượng NĐT cá nhân chiếm rất ít, thay vào đó, các NĐT thường thông qua các công ty quản lý quỹ để đầu tư, tức là họ đầu tư có tổ chức. Điều này đã dẫn tới những quyết định đầu tư cũng khác nhau.
Các NĐT Hàn Quốc thường có những chiến lược đầu tư lâu dài. Còn NĐT cá nhân Việt Nam thường chú trọng đầu tư ngắn hạn, chỉ quan tâm tới lợi ích trước mắt. Đây có lẽ cũng là một trong những hạn chế của TTCK Việt Nam.
Nếu có sự thay đổi trong cách đầu tư, tôi tin chắc rằng, những gì mà các NĐT Việt Nam thu được còn lớn gấp nhiều lần hiện nay.
Xuân Thu (Thực hiện)