Giá chung cư Hà Nội tăng phi mã, giấc mơ an cư ở Thủ đô của người trẻ càng xa vời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá chung cư tại Hà Nội tăng phi mã, nhất là từ cuối năm ngoái đến nay khiến giấc mơ “an cư” của nhiều gia đình trẻ ngày càng xa vời.

Đỏ mắt tìm chung cư

Anh Nguyễn Phú Đức (hiện đang thuê nhà tại phố Định Công Thượng, phường Định Công, Hoàng Mai) chia sẻ, đầu năm 2024, vợ chồng anh tất toán một khoản tiết kiệm ngân hàng hơn 2 tỷ đồng, gom góp thêm số tiền hiện có là hơn 2,5 tỷ đồng. Anh chỉ dự định sẽ vay thêm người thân một ít để mua một căn hộ chung cư.

Tuy nhiên, sau nhiều ngày khảo sát một vòng quanh các chung cư khu vực Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, anh chị vẫn không thể tìm được căn hộ ưng ý. Những căn hộ chung cư giá rẻ thì nhiều bất cập, từ chất lượng xây dựng, mật độ dân cư, thang máy… đều có vấn đề. Trong khi những căn hộ tầm trung cấp trở lên thì giá quá cao.

Anh cho biết, hồi cuối năm ngoái anh chị đã đến xem và ưng ý một căn hộ rộng hơn 70m2 ở Hà Đông với mức giá khoảng 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ gần 4 tháng sau quay lại thì giá căn hộ này đã tăng lên 3,5 tỷ đồng, khiến kế hoạch mua nhà để an cư của vợ chồng anh đành gác lại.

“Vợ chồng tôi khá là lo lắng, vì hiện tại số tiền đang có, gửi tiết kiệm thì lãi suất thấp, trong khi giá nhà thì quá cao, không thể mua được căn hộ ưng ý. Nếu cố vay mượn mua thì gánh nặng quá lớn, trong khi chi phí gia đình mọi thứ đều tăng, sau này sẽ rất vất vả. Trong khi nếu giá chung cư cứ tăng với tốc độ hiện nay thì số tiền tiết kiệm của chúng tôi càng khó mơ mua được căn nhà” – anh nói.

Nguồn cung chung cư đang rất khan hiếm, trong khi nhu cầu ở thực của người dân rất cao

Nguồn cung chung cư đang rất khan hiếm, trong khi nhu cầu ở thực của người dân rất cao

Theo các chuyên gia, mặt bằng giá chung cư ở Hà Nội đã tăng mạnh, nhất là từ nửa cuối năm 2023 đến nay và dự báo sẽ khó giảm bởi nhu cầu ở thực của người dân cao, trong khi nguồn cung căn hộ mới đang rất hạn chế do nhiều dự án gặp khó khăn, vướng pháp lý... Cùng với đó, các chủ đầu tư đang phải chịu chi phí lãi cao, chậm bán, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng… nên khó có thể hạ giá nhà.

Theo số liệu của Savills, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Tính đến quý 1/2024, giá chung cư mới đã đạt trung bình 59 triệu đồng/m2, tăng 21 quý liên tiếp.

Còn CBRE cho biết, giá trung bình các dự án tại Hà Nội ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều tăng nhanh trong 3 tháng đầu năm nay và đang dẫn tiệm cận mức giá tại TP.HCM.

Theo CBRE Việt Nam, nguồn cung và thị trường căn hộ chung cư tại Hà Nội đang rất là thấp. Riêng năm 2023, tổng nguồn cung chào bán mới tại thị trường Hà Nội chỉ khoảng 10.000 căn, bằng 1/4 so với thời điểm bình thường.

CBRE Việt Nam dự báo, giá căn hộ trên thị trường mua đi bán lại tại Hà Nội vẫn sẽ tiếp diễn tăng giá, với mức tăng từ 16 - 20% năm 2024.

Còn báo cáo mới đây của Cushman & Wakefield cũng chỉ ra, giá căn hộ tại Hà Nội đã tăng trưởng 109% trong gần 10 năm qua. Tốc độ tăng giá trung bình 9% mỗi năm. Sau đà giảm nhiệt vào giai đoạn 2021-2022, giá bán chung cư Hà Nội tăng liên tục từ giữa năm 2022 đến nay.

Nỗi lo “bong bóng” chung cư

Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, thị trường bất động sản tại Hà Nội hiện đang vận hành theo cơ chế thị trường. Nếu cung đủ cầu thì mức giá sẽ giảm, còn ngược lại, cung mà không đủ cầu thì giá sẽ tăng cao.

Do đó, để điều tiết được giá căn hộ chung cư, ông Điệp cho rằng, các nhà quản lý cần đẩy nhanh hơn việc tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh các thủ tục đầu tư dự án chung cư mới, làm tăng nguồn cung thì giá căn hộ sẽ tự động giảm...

Trong khi nhấn mạnh lại tình trạng “khủng hoảng phân khúc”, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, từ 2 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã nêu lên hiện trạng này, và đưa ra 2 phương án để “cứu” phân khúc nhà ở giá rẻ là đẩy qua ngân sách và đẩy qua ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên đến nay, tiến độ triển khai, giải ngân vốn tín dụng cho nhà ở xã hội "gần như thất bại". Gói 125.000 tỷ đồng giải ngân chưa đạt 1% sau 1 năm triển khai. Do đó, vị chuyên gia cho rằng không thể dựa vào ngân hàng để đẩy nhà ở xã hội lên.

Cho tới nay, theo ông “phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ gần như thất bại, trong khi đó phân khúc chung cư thương mại thẳng tiến với tốc độ tăng giá đáng sợ”. Vị chuyên gia tiếp tục đưa ra cảnh báo về thị trường bất động sản Việt Nam “một mình phân khúc chung cư có bong bóng”, do cung cầu không còn cân đối hoặc đi ngược hướng vì nguồn cung giảm.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng nếu không cảnh báo từ hiện tại và không sớm thực hiện Luật Đất đai để đưa các phân khúc khác vào thì phân khúc chung cư sớm muộn cũng sụp đổ, “có thể là từ nay tới cuối năm”, khiến chính sách chiến lược của Chính phủ cũng bị ảnh hưởng.