Ghế Chủ tịch VFF: Còn ai sẽ rút lui?

ANTĐ - Để chuẩn bị cho Đại hội Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) lần thứ VII sẽ diễn ra ngày 5-6 tới, đã có 8 gương mặt cho vị trí Chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới. Trong đó, có rất nhiều người có uy tín lớn trong xã hội và nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, có 3 người xin rút lui là ông Nguyễn Bá Thanh (Trưởng ban Nội chính Trung ương), ông Võ Quốc Thắng (Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF), và ông Lê Quý Phượng (Hiệu trưởng trường Đại học TDTT TP.HCM). 

Danh sách ứng cử viên còn lại 5 người gồm ông Hoàng Anh Xuân (Tổng Giám đốc Viettel), ông Lê Hùng Dũng (Phó Chủ tịch VFF), ông Phạm Văn Tuấn (Phó chủ tịch VFF - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT), ông Đỗ Quang Hiển (Tập đoàn T&T), ông Lê Khánh Hải (Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch). 

Có thông tin cho biết nhiều khả năng số ứng viên xin rút lui khỏi danh sách đề cử cho chức vụ Chủ tịch VFF khoá VII sẽ không dừng lại ở 3 người như trên. Thậm chí, có thông tin còn khẳng định đến ngày diễn ra Đại hội chính thức của BCH VFF khoá VII thì có thể chỉ là cuộc đua “tam mã” đến chức Chủ tịch VFF giữa 2 Phó Chủ tịch VFF hiện tại là ông Lê Hùng Dũng và ông Phạm Văn Tuấn cùng ông Hoàng Anh Xuân - TGĐ Tập đoàn Viettel. Đây cũng là 3 ứng viên đều có những ưu thế nhất định để buộc các Ủy viên BCH khoá VII phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bỏ phiếu bầu.

Hai phó chủ tịch VFF được nhìn nhận như đại diện cho hai luồng quan điểm trái chiều hiện nay liên quan tới vị trí chủ tịch VFF: Một là chính khách, một là doanh nhân thành đạt và đều am hiểu bóng đá VN. Ông Tuấn có lợi thế là xuất thân từ dân thể thao chuyên nghiệp, từng có thời gian dài làm việc ở Sở TDTT Gia Lai (cũ) trước khi ra Hà Nội đảm nhiệm cương vị Phó Tổng cục trưởng TC TDTT, trước khi được bầu bổ sung vào BCH VFF khoá VI để giữ chức Phó Chủ tịch VFF. Nhưng ứng viên này khiến người ta nghĩ đến “phiên bản” từ ông Nguyễn Trọng Hỷ mà sẽ khó có thể hy vọng gì về một cuộc “cách mạng” với bóng đá nước nhà nếu ông ngồi vào ghế Chủ tịch VFF.

Còn ông Dũng tuy không phải là người trong ngành thể thao, nhưng ngoài ưu thế có 2 nhiệm kỳ liên tiếp đảm đương chức vụ Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và tài trợ của VFF, có vai trò đặc biệt quan trọng với bóng đá Việt Nam trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Số tiền tài trợ cho 3 giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là V-League, Cúp QG và giải hạng Nhất trị giá gần 50 tỷ đồng là của Eximbank, ngân hàng mà ông Dũng đang là Chủ tịch HĐQT. Ông Dũng biết cách kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam, nhưng vì cá tính mạnh mẽ khó có khả năng kết hợp mọi người.

Ứng viên thứ ba mới xuất hiện, được dự báo sẽ khiến cho kết quả cuộc đua vào ghế chủ tịch VFF trở nên “nóng” và thú vị. Đó là ông Hoàng Anh Xuân - TGĐ Tập đoàn Viettel - một tập đoàn kinh tế lớn, có uy tín không chỉ trong nước mà cả trên thương trường quốc tế. Vị tướng này cũng không phải người “ngoại đạo” với bóng đá không chỉ vì Tập đoàn Viettel của ông đang sở hữu một trung tâm đào đạo cầu thủ bóng đá lớn nhất nhì của Việt Nam, mà qua sự kiện “xoá sổ” đội Thể Công, người ta thấy ông rất kiên quyết nói không với tiêu cực và kiên định với việc làm bóng đá bài bản, xây nhà từ gốc.

Với ông Xuân có cơ sở để tin vào một sự đổi mới, một cuộc cách mạng cho cách suy nghĩ, cách làm bóng đá bài bản trong tương lai gần. Đặc biệt, luồng gió mới nay sẽ  là chuyện  “người đổi thì vận sẽ đổi” cho VFF. Với bóng đá Việt Nam lúc này, không gì cần hơn thế. Để cứu bóng đá Việt Nam khỏi sa lầy, người ta cần một tân Chủ tịch VFF có tâm và có tầm. Có điều, ông Hoàng Anh Xuân là người nghiêm khắc, có thể loại bỏ những thói hư tật xấu của nền bóng đá Việt Nam, làm trong sạch đội ngũ từ cầu thủ, trọng tài... đến hàng ngũ lãnh đạo, nhưng liệu những người làm bóng đá nước nhà có thích điều này?

Nhìn lại nhiệm kỳ đang sắp kết thúc của VFF, bóng đá Việt Nam thụt lùi nhiều hơn tiến lên. Người hâm mộ bóng đá cả nước rất trông đợi vào công tác nhân sự lần này, với hy vọng người lãnh đạo mới cùng ê-kíp lãnh đạo mới sẽ có những quyết sách, chiến lược đúng đắn mang tính đột phá đem đến những bước tiến mới, những thành công mới cho bóng đá Việt Nam.