Gánh nặng khủng khiếp mà bệnh nhân Ebola sống sót phải đối mặt

ANTĐ - Một người có thể sống sót sau Ebola, nhưng người đó lại không bao giờ giành chiến thắng. Nếu họ không bị Ebola nhấn chìm, thì họ lại gần như mất tất cả mọi thứ vốn có trong cuộc sống.

Đó là tình trạng chung và phổ biến của những bệnh nhân Ebola may mắn sống sót sau đại dịch kinh hoàng. Không phải ai cũng đủ dũng cảm để sống và chiến đấu với sự đói khát thiếu thốn cũng như sự kỳ thị của con người.

Câu chuyện của một người đàn ông người Sierra Leone dưới đây là một ví dụ phổ biến. Điều này đã khiến cho chúng ta chợt nhận ra rằng Ebola có lẽ còn không khủng khiếp bằng sự phân biệt đối xử giữa con người với nhau.

Đại dịch Ebola khủng khiếp đã tàn phá một số nước Tây Phi trong thời gian qua

Survivor Douda Fullah là một người may mắn sống sót khi Ebola tràn đến tàn phá ngôi làng của anh trong tích tắc. 5 thành viên trong gia đình anh đã lần lượt ra đi: đầu tiên là người cha kính mến, mẹ kế, bà ngoại, anh trai và cô em gái 13 tuổi.

Trong một cuộc họp diễn ra ở thủ đô Freetown, Sierra Leone, trường hợp của Douda không chỉ điển hình về sự mất mát, mà còn ở gánh nặng khủng khiếp mà anh đã và đang làm vì bản thân và cộng đồng.

"Tôi đang có đến 15 người phụ thuộc vào tôi. Thực sự điều này rất khó khăn. Tôi còn ông ngoại, chị gái, em trai, người em họ… thậm chí là cả người chú trong làng, những người mà trước kia cha tôi chăm sóc. Bây giờ cha tôi không còn nữa, tất cả mọi người đều đang trông chờ vào tôi”.

Và điều trớ trêu thực sự khắc nghiệt cho một người sống sót sau Ebola là thay vì được đối xử như một nạn nhân, cần được chăm sóc và hỗ trợ khi gia đình bị tàn phá nặng nề, Douda lại bị hàng xóm, bạn bè của cha anh tẩy chay vì tin rằng anh vẫn còn loại virus chết người trong cơ thể.

 
"Những người bạn của cha mẹ đã không đến nhà tôi lần nào kể từ khi Ebola hoành hành. Và hàng xóm của tôi, họ không dám đứng gần tôi. Tôi đang bị kỳ thị”, Douda nói trong nước mắt.

Là một chuyên gia y tế và giáo dục, cha Douda là một nhân vật có uy tín trong làng, nơi nạn mù chữ và nghèo đói phổ biến. Dân làng đều nhờ cậy cha anh mỗi khi mắc bệnh và cần tiền.

"Bây giờ cha tôi đã ra đi, họ phải đang gồng mình lên để tự vượt qua khó khăn. Họ đến và nói với tôi: “Douda, Tôi hy vọng anh hãy mạnh mẽ lên”. Nhưng tôi hiểu rằng họ đang cần tiền, vì cuộc sống của họ, của dân làng chúng tôi thực sự rất khó khăn”, Douda nói.

Cha Douda là tầng lớp trung lưu, mặc dù không phải là giàu có. Ông sở hữu phòng thí nghiệm của riêng mình trong Kenema và có xe cứu thương chở nạn nhân Ebola đầu tiên đến bệnh viện chính phủ. Khi gặp gia đình nạn nhân đó, cha anh đã cảnh báo sự nguy hiểm của Ebola và nói với họ cách phòng ngừa và rửa tay bằng clo.

Douda đã cầu xin cha mình không tiếp tục công việc nguy hiểm đó. Nhưng bù lại, cha anh chỉ nói rằng, ông không muốn mọi người nhớ đến ông là một kẻ hèn nhát, chết trong sự hèn nhát còn tủi hổ hơn bao giờ hết.

Nhưng thay vì được vinh danh trong cái chết vì cộng đồng, cha anh lại bị cho là kẻ giết người với những tin đồn ác nghiệt. “Họ cho rằng chính cha tôi và các y tá ở bệnh viện là người tiêm virus vào người họ. Chính vì vậy, họ kỳ thị chúng tôi. Họ cô lập tôi ở bất cứ nơi đâu tôi xuất hiên”.

Mặc dù Douda đang được một tổ chức từ thiện của Anh hỗ trợ, nhưng cuộc sống của gia đình vẫn gặp phải muôn vàn khó khăn. Gia đình anh đang phải đối mặt với cảnh vô gia cư khi bị đuổi ra khỏi ngôi nhà đang thuê, hơn nữa Douda cũng chỉ là một người thất nghiệp.

Douda chỉ là một trường hợp rất nhỏ về sự kỳ thị và thiếu hỗ trợ cho các nạn nhân Ebola. Ở Kenema, hơn 100 người sống sót đã thành lập nhóm để cung cấp cho hỗ trợ khác cho những người cùng cảnh ngộ. Mong muốn của họ chỉ đơn giản là được hòa nhập trở lại, được cộng đồng dang rộng vòng tay chấp nhận như một người bình thường.