Gần 40.000 lượt xe khách phải điều chỉnh luồng tuyến

ANTD.VN - Việc sắp xếp, điều chỉnh luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh trên địa bàn Hà Nội là cần thiết để xóa bỏ tình trạng xe khách đi xuyên thành phố. Trong giai đoạn tới, Hà Nội sẽ tiếp tục sắp xếp lại luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh theo hướng khoa học, hài hòa.

Gần 40.000 lượt xe khách phải điều chỉnh luồng tuyến ảnh 1Điều chỉnh luồng tuyến xe khách để hạn chế tình trạng ùn tắc ở nội đô

Điều chỉnh cho phù hợp thực tế

Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, trên địa bàn Hà Nội có 5 bến xe, với 668 tuyến, tần suất 140.411 chuyến/tháng, kết nối Hà Nội với 42 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bến xe Mỹ Đình tập trung đông nhất, với 47.760 chuyến/tháng, bến xe Giáp Bát 35.238 chuyến/tháng, bến xe Gia Lâm với 27.676  chuyến/tháng… Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình giữ ổn định tần suất, chỉ tăng cường xe vào các dịp lễ, Tết để giải tỏa hành khách. 

Do đô thị hóa và lưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, một số tuyến đường trước đây có lưu lượng phương tiện tham gia thấp nay đã trở thành tuyến nội đô có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, thường xuyên ùn tắc. Do đó, Sở đã báo cáo Bộ GTVT và UBND TP thống nhất chủ trương, cho phép điều chỉnh, bố trí lại một số tuyến vận tải khách liên tỉnh, không đi xuyên tâm, không đi vào các tuyến có lưu lượng giao thông lớn...

Cùng với đó, để giảm ùn tắc giao thông trên trục Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Sở GTVT Hà Nội đã lên phương án điều chuyển các tuyến đi/đến từ bến Mỹ Đình đi 4 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai và Đắk Lắk về bến xe Nước Ngầm. Tuy nhiên, sau khi phương án này được công bố để lấy ý kiến của các tỉnh liên quan, nhiều địa phương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị phương án điều chuyển chưa hợp lý, cần có lộ trình để các doanh nghiệp chuyển đổi. 

Ba giai đoạn điều chuyển xe khách

Trước tình hình trên, Sở GTVT đã phối hợp với Tổng cục Đường bộ, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) nghiên cứu, xem xét phương án điều chuyển và nhận thấy, đúng là còn một số bất cập, chưa hợp lý, cần phải điều chỉnh cho đảm bảo công bằng, hài hòa giữa các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tổ công tác gồm Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ, CATP Hà Nội, Thanh tra Sở GTVT đã rà soát tổng thể luồng tuyến vận tải đi và đến Hà Nội, xây dựng phương án tổng thể, sắp xếp, điều chỉnh các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố. 

Tuy nhiên, theo ông Hà Huy Quang, việc sắp xếp, điều chỉnh ngay một lúc 39.817 chuyến/tháng sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại người dân, gây xáo trộn trong kinh doanh vận tải. Vì thế, Sở GTVT sẽ thực hiện điều chuyển, sắp xếp lại luồng tuyến theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, sẽ điều chỉnh các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đi qua các điểm, tuyến ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm; giai đoạn 2, điều chỉnh các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đi qua các điểm, tuyến ùn tắc giao thông trong giờ ban ngày và giai đoạn 3 mới điều chuyển các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh chưa phù hợp theo định hướng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. 

Liên quan đến việc điều chuyển các tuyến xe đi các tỉnh phía Nam từ bến Mỹ Đình, ông Nguyễn Đại Thắng, điều hành Công ty CP Vận tải Thanh Xuân cho biết, khu vực quận Cầu Giấy có rất nhiều trường đại học lớn, người dân có nhu cầu đi về các tỉnh phía Nam như Nghệ An, Hà Tĩnh rất nhiều, nên nếu điều chuyển toàn bộ các tuyến xe này về bến xe Nước Ngầm thì người dân có nhu cầu phải di chuyển xa hơn. Trong khi đó, tuyến đường vành đai 3 hiện nay rất dễ xảy ra ùn tắc do lưu lượng xe tải, xe container quá lớn, tỷ lệ xe khách chạy rất ít. 

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho rằng, công suất của bến Mỹ Đình khoảng 1.992 lượt xe/ngày, nhưng hiện cũng mới chỉ có hơn 1.400 lượt xe/ngày. Trong đó, lượt xe đi về các tỉnh phía Nam là 300 lượt/ngày. Do đó, tình trạng ùn tắc tại nút giao Thanh Xuân (Khuất Duy Tiến) không hẳn do xe khách.