Gần 2.000 tỷ đồng giảm ùn tắc giao thông: Mơ hồ mục tiêu

ANTĐ - Giảm gần 30% số điểm ùn tắc giao thông vào năm 2015 là mục tiêu của chương trình giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2012-2015 của ngành giao thông Hà Nội với trị giá gần 2.000 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giao thông tỏ ra thiếu niềm tin vào mục tiêu này.

Diện tích dành cho giao thông trong quy hoạch vẫn ở mức thấp hơn yêu cầu


Nặng về tuyên truyền, tổ chức, điều hành

Chương trình gồm rất nhiều mục tiêu, song trọng điểm nhất là giảm tối thiểu 27 điểm ùn tắc giao thông và giảm 40% thời gian ùn tắc tại các điểm còn lại trong giai đoạn 2012-2015, duy trì không để phát sinh điểm ùn tắc mới trên địa bàn TP. Để thực hiện, nguồn vốn cần thiết là 1.944 tỷ đồng, trong đó, 1.000 tỷ đồng sẽ được dành để xây 8 cây cầu vượt tại một số nút giao thông quan trọng thường xuyên ùn tắc như nút Kim Mã - Liễu Giai (Daewoo), Bạch Mai - Đại Cồ Việt, Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương.

Tuy nhiên, trong các nội dung của chương trình giai đoạn 2012-2015, hầu hết vẫn nặng về các giải pháp tuyên truyền, giáo dục, tổ chức quản lý như cải tạo, lắp đặt hệ thống camera tại 200 nút giao nhằm giám sát tình trạng ùn tắc giao thông, tình trạng vi phạm của phương tiện để phục vụ cho việc xử lý các vi phạm bằng hình ảnh; khảo sát, đếm xe cho 50 nút và tuyến đường nhằm xác định luồng di chuyển của các dòng phương tiện, thành phần, cơ cấu đi lại cũng như mức độ quá tải của hạ tầng giao thông để đề ra các giải pháp tổ chức mang tính tổng thể theo mạng. Tiếp tục tổ chức phân làn, tách dòng phương tiện, rà soát, sắp xếp lại các bến, bãi đỗ xe; tăng cường trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra GTVT… 

Ngoài ra, chương trình cũng đưa ra phương án giải tỏa hành lang an toàn giao thông, giải tỏa các lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường hướng tâm quan trọng như QL1, QL6, QL32, QL5, QL21, QL21B, đường Mai Dịch - Nội Bài, trên một số tuyến đường trục chính đô thị và trên các tuyến thực hiện phân làn phương tiện. Kết hợp công tác giải tỏa với việc cải tạo, sửa chữa các hư hỏng trên đường và hè, thanh thải các chướng ngại vật trên hè nhằm tạo nên các tuyến phố giao thông mẫu, đi lại thuận lợi, trật tự, an toàn.

Khó có kết quả như mong đợi

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông không chỉ nằm ở nâng cấp và cải tạo những con đường hay những phương tiện giao thông công cộng. “Để đánh giá xem con số 2.000 tỷ đồng này có đáp ứng được nhu cầu và phát huy hết hiệu quả tối đa hay không là một câu hỏi không dễ trả lời bởi nó đang được nhìn nhận ở tầm nhìn hiện tại. Trong khi đó mỗi năm Hà Nội lại có thêm rất nhiều đường sá mới được mở. Nhu cầu của người dân về phương tiện đi lại cũng vì vậy mà tăng theo. Do đó đến năm 2015, con số 2.000 tỷ đồng chưa chắc đã đem lại tác dụng như mong muốn” - ông Hùng băn khoăn.

Còn theo TS. Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT, Đại học GTVT, Hà Nội đã đưa ra nhiều quy hoạch về GT, song nhiều quy hoạch không thực hiện đúng tiến độ đề ra, như đề xuất của Sở GTVT Hà Nội giai đoạn 2011-2015 dự tính khoản kinh phí đầu tư xây dựng chỉnh trang các tuyến đường vành đai và một số trục giao thông hướng tâm lên tới gần 13 tỷ USD. “Hà Nội đặt ra mục tiêu từ những năm trước đây là đến năm 2010, diện tích đất đô thị dành cho GTVT là 15%, nhưng đến thời điểm này mới đạt 6,4%. Hay như mục tiêu tỉ lệ vận tải hành khách công cộng theo quy hoạch năm 2010 là 30% tổng nhu cầu đi lại, nhưng hiện nay mới đạt 8%. Chỉ tiêu thứ tư là số tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch năm 2010 là 1 tuyến, nhưng đến nay vẫn đang là nghiên cứu khả thi. Đây là quy hoạch của năm 2010, đến giờ chúng ta còn chưa đạt được thì nói gì đến mục tiêu quy hoạch của những năm sau. Tôi lo ngại chương trình này cũng như thế”, TS. Khuất Việt Hùng đặt vấn đề.