“Gà nhà” đá nhau

ANTĐ - Với thành tích vừa qua, cựu vô địch Olympic trẻ Thạch Kim Tuấn và nhà quán quân SEA Games 26 Trần Lê Quốc Toàn đều đủ tiêu chuẩn tham dự Olympic 2012. Trớ trêu thay, họ buộc phải loại nhau tại giải vòng loại châu Á sắp tới để giành tấm vé duy nhất tới London mùa hè này.

Liệu sẽ có một sự thiên vị nào trong việc chọn Tuấn (phải) 

hoặc Toàn tham dự Olympic?

Từ đồng đội thành đối thủ

23h ngày mai 20-4, đội tuyển cử tạ Việt Nam với 14 VĐV (7 nam, 7 nữ) sẽ lên đường dự giải vòng loại Olympic khu vực châu Á, diễn ra từ ngày 22 đến 30-4 tại Pyeongtaek, Hàn Quốc. Đây là cơ hội cuối để cử tạ Việt Nam hoàn thành mục tiêu có ít nhất một VĐV tham dự Thế vận hội. Cử 14 VĐV tham dự song cơ hội giành vé chỉ hy vọng hạng 56kg nam.

Với thực lực vốn có, cùng việc nhiều đối thủ nặng ký đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… không tham dự do đã có vé, Việt Nam gần như chắc một suất. Trớ trêu ở chỗ, 2 đồng đội Kim Tuấn và Quốc Toàn (cùng hạng 56kg) sẽ buộc phải loại nhau để sở hữu tấm vé duy nhất do BTC quy định mỗi hạng cân, mỗi quốc gia chỉ được cử một VĐV. Giới chuyên môn đánh giá cơ hội của Toàn và Tuấn là ngang nhau. Trong tập luyện, Toàn hơn cử đẩy nhưng thua Tuấn về cử giật. Thành tích ở trong nước của Toàn tốt hơn do đã tập luyện và thi đấu trước nhưng thành tích quốc tế của Kim Tuấn lại hơn hẳn và năm nào cũng có huy chương ở các cấp độ khác nhau. Cả 2 đều đang có phong độ tốt nên cuộc chạy đua tới London chắc chắn sẽ rất căng.

Công bằng hay thiên vị?

Khả năng tuyển cử tạ Việt Nam nằm trong tốp 6 đồng đội gần như chắc chắn, song chọn ai dự Olympic lại là cả vấn đề. Trả lời trước báo chí, phía bộ môn khẳng định không thiên vị ai và dựa vào giải Hàn Quốc sắp tới, VĐV nào có thành tích cao hơn sẽ được chọn. Tuy nhiên, với những người am hiểu môn cử tạ thì mọi chuyện có lẽ không đơn giản như vậy. Trước giờ lên đường, đã có nhiều ý kiến đề nghị việc chọn Tuấn hay Toàn sẽ căn cứ vào phong độ của họ trước thềm Olympic khởi tranh, đồng nghĩa thành tích tại giải vòng loại châu Á sắp tới chỉ mang tính tham khảo. 

Ở khía cạnh tích cực, đó hẳn nhiên là sự cẩn trọng cần thiết nhằm chọn VĐV có phong độ tốt nhất. Ngược lại, đó có thể là cách hợp thức hóa một quyết định thiên vị ai đó. 

Mới đây, việc gần như ngay lập tức chấp nhận kiến nghị của bơi Đà Nẵng cho thầy trò Quý Phước về nước phần nào thể hiện sự nhún nhường của ngành thể thao trước một địa phương “có công” đóng góp nhiều VĐV tài năng. Còn ở môn cử tạ, lâu nay TP.HCM vẫn được xem là lá cờ đầu cả nước và việc ưu ái Thạch Kim Tuấn (nếu có) là chuyện… bình thường. Song nếu đặt trong phạm trù rộng hơn, Đà Nẵng - đơn vị chủ quản của Quốc Toàn - cũng chẳng hề kém cạnh nếu so về sự đóng góp thành tích cho thể thao Việt Nam. 

Thực tế về phía đơn vị chủ quản, mỗi bên đã ít nhiều có động thái tác động hay “vận động hành lang” vì đều mong muốn VĐV của mình được dự giải đấu lớn nhất hành tinh. Riêng việc từ HLV Huỳnh Hữu Chí (huấn luyện Kim Tuấn) đến HLV Phan Văn Thiện đều không tiết lộ thành tích hiện tại của học trò vì sợ “lộ bài”, đủ thấy sự cạnh tranh giữa nội bộ làng cử tạ lớn đến mức nào.