FED tăng lãi suất, thị trường tài chính có bị sốc?

ANTD.VN - Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đã được tính toán từ trước nên có thể thấy đã không có tác động gây sốc những ngày qua. 

Tuy nhiên, về mặt dài hạn thì không thể chủ quan, nhất là khi FED dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay và 3 lần trong năm 2018. Trong đó, những lĩnh vực chịu tác động chính bao gồm lãi suất (cả đồng USD và các ngoại tệ khác, trong đó có tiền đồng Việt Nam); vấn đề nợ công và nợ của các doanh nghiệp vay nước ngoài; dòng vốn đầu tư, đặc biệt là dòng vốn nóng.

Vàng, tỷ giá chao đảo

Lần tăng lãi suất cơ bản của đồng USD thêm 0,25 điểm phần trăm hôm giữa tháng 3 vừa qua là lần thứ hai trong vòng 3 tháng lãi suất đồng bạc xanh được điều chỉnh tăng. Mục đích của FED trong việc tăng lãi suất USD là thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung đã có tín hiệu phục hồi đáng kể.

Sau động thái tăng lãi suất của FED, 2 yếu tố nhạy cảm nhất là giá vàng và đô la Mỹ đã lập tức chao đảo, tuy nhiên phản ứng lại trái ngược với quy luật. Đồng USD lập tức xuống giá, ngược lại, giá vàng thế giới tăng lên đáng kể. Tại thị trường trong nước, dù tỷ giá đồng USD giảm nhẹ 10 đồng ngay sau khi FED tăng lãi suất nhưng tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do, giá USD giảm khá mạnh, lên tới 60 đồng và tiếp tục diễn biến giảm những ngày sau đó.

Lý giải điều này, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đây là một hiện tượng không đúng quy luật, vì lẽ ra FED tăng lãi suất thì đồng USD sẽ tăng giá, ngược lại giá vàng sẽ chịu sức ép. Tuy nhiên, trong trường hợp này điều khó hiểu này lại rất logic: “Thực ra các nhà đầu tư đã dự báo được điều này từ trước đó và trước thời điểm FED tăng lãi suất cả 1 tháng kỳ vọng này đã được phản ánh vào giá, đồng USD đã tăng rất tốt.

Vì vậy, khi FED chính thức hiện thực hóa kỳ vọng của nhà đầu tư thì giá USD không tăng nữa, ngược lại những khả năng về rủi ro đối với lãi suất, tỷ giá, thị trường đầu tư, nợ nước ngoài của các nước... lại được đặt ra. Khi rủi ro tăng lên, tài khoản trú ẩn an toàn là vàng sẽ tăng giá”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Bùi Quang Tín, giảng viên trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thì với chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, chúng ta không quá lo ngại vấn đề tỷ giá.

“Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá theo hướng giữ ổn định tỷ giá USD/VND. Việc điều hành tỷ giá linh hoạt, không những căn cứ vào lãi suất của các nước trên thế giới mà còn căn cứ vào tình hình kinh tế trong nước và thế giới, kể cả các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã giúp điều tiết được tỷ giá lưu thông. Cụ thể, trong năm 2016, đồng tiền một số quốc gia trên thế giới đã phá giá 10-20%, và đó là những đồng tiền nằm trong rổ tiền tệ tính tỷ giá lưu thông của Việt Nam, vì vậy tỷ giá USD/VND chỉ tăng 1,1-1,2%”, TS. Bùi Quang Tín nói.

Cũng theo TS. Bùi Quang Tín, trong năm 2017, việc điều hành lãi suất USD, chúng ta vẫn có thể nâng lên 0,25-0,5%/năm nhằm phù hợp với sự tăng lãi suất của nhiều nước trên thế giới cũng như đáp ứng nhu cầu thanh khoản USD của các ngân hàng hiện nay.

Lãi suất chịu nhiều áp lực

Đối với lãi suất tiền đồng Việt Nam sẽ ít nhiều chịu áp lực khi lãi suất đồng đô la Mỹ tăng. “Khi đồng USD tăng sẽ có tác động đến tỷ giá, vì vậy sẽ tạo sức ép lên lạm phát Việt Nam, khiến năm nay việc giảm lãi suất là rất khó, chủ yếu là các áp lực tăng lãi suất. Tuy nhiên, với chính sách kiểm soát chặt, ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên có thể mặt bằng lãi suất sẽ không tăng nhiều” - TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm và cho rằng - “Thời gian gần đây, hiện tượng một số ngân hàng nhỏ tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dài sẽ không xảy ra trên diện rộng mà chủ yếu mang tính chất mùa vụ và nhằm cân đối nguồn vốn đáp ứng các chỉ tiêu tín dụng của ngân hàng”. 

Cụ thể, thời gian qua, một số ngân hàng tầm trung và nhỏ như Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank)… đã tăng lãi suất huy động lên 8%/năm ở một số kỳ hạn, lãi suất huy động online lên đến 8,2%/năm, lãi suất chứng chỉ tiền gửi lên đến 9%/năm… 

Các chuyên gia lý giải việc các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất chủ yếu do sức ép về nguồn vốn để đáp ứng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng diễn biến tương đối tích cực, đạt xấp xỉ 2% vào cuối tháng 2, trong khi cùng kỳ những năm trước chỉ ở mức 0,6%.

Trong khi đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng lại không quá dư thừa, việc huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng gặp khó khăn, vì vậy các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để hút vốn. 

Với việc đồng USD được dự báo sẽ tăng nhiều lần trong năm nay và 2018, các chuyên gia khuyên nếu doanh nghiệp, người dân có nhu cầu USD trong thời gian ngắn nên mua các hợp đồng phái sinh ngoại tệ để bảo hiểm rủi ro về tỷ giá. Cần hạn chế đầu cơ mua USD, vì tuy FED tăng lãi suất nhưng trần lãi suất USD tại Việt Nam khó tăng cao

Ngoài ra, việc tăng lãi suất trung và dài hạn và lãi suất chứng chỉ tiền gửi (thường có thời hạn 5 - 7 năm) là nhằm đáp ứng vốn cho những khoản cho vay dài hạn đã cam kết. Bởi theo quy định tại Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước, từ 1-1-2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn phải giảm từ mức 60% xuống 50%. 

Với những nhận định trên, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng sức ép tăng lãi suất trong năm nay sẽ lớn hơn so với năm 2016. “Tuy vậy, sức ép này sẽ không quá căng thẳng nếu diễn biến tăng CPI trong các tháng tới hạ nhiệt và lộ trình tăng lãi suất của FED vẫn đúng theo dự kiến, không có sự thay đổi quá lớn so với kỳ vọng của nhà đầu tư”, BVSC nhận định.

Dòng vốn ngoại sẽ rút khỏi thị trường?

Theo các chuyên gia, với “lịch trình” tăng lãi suất của FED, về lâu dài có thể tác động đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài. “Dự báo các dòng vốn sẽ chuyển từ các nước đang phát triển, các nước mới nổi về Mỹ, châu Âu vì ở đó các yếu tố rủi ro không thay đổi nhưng lãi suất cao hơn. Tất nhiên, điều đó ít ảnh hưởng đến Việt Nam vì Việt Nam vẫn được coi là thị trường đầu tư hấp dẫn cả trực tiếp lẫn gián tiếp, tuy nhiên chúng ta cũng không thể chủ quan”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Phân tích kỹ hơn, chuyên gia Bùi Quang Tín cho rằng việc FED tăng lãi suất sẽ không tác động nhiều đến dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI), vì Việt Nam vẫn là thị trường đầu tư có nhiều lợi thế. Hơn nữa, hầu hết các nhà đầu tư trực tiếp đều có chiến lược đầu tư dài hạn, rất khó tác động trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, với dòng vốn đầu tư gián tiếp chủ yếu là dòng vốn nóng mang tính chất đầu cơ ngắn hạn hơn là đầu tư thì sẽ ít nhiều có ảnh hưởng. Đặc biệt là đối với các quỹ mở (ETF) là những quỹ đầu tư theo chỉ số, chủ yếu đầu tư trong thời gian ngắn nên việc rút vốn đi có phần ảnh hưởng. Còn những quỹ đóng đầu tư dài hạn hơn thì việc chuyển dịch dòng vốn cũng khó khăn hơn.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc FED tăng lãi suất sẽ tác động đến nợ nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp, đặc biệt là những khoản nợ bằng USD. Tuy vậy, cơ cấu nợ nước ngoài của Việt Nam ngoài USD còn có phần của các ngoại tệ khác. Khi USD tăng giá thì có thể những đồng tiền khác sẽ mất giá và vì vậy có thể tính chung Việt Nam sẽ không bị thiệt.