Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 8:

Duy trì ổn định, an ninh, an toàn trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 16-6, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 8 (ADMM+ lần thứ 8) được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Trưởng đoàn Việt Nam dự Hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đề cập vấn đề an ninh biển và Biển Đông, đề nghị sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang dự hội nghị

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang dự hội nghị

Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Trưởng đoàn Việt Nam nhận định, tình hình an ninh khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh nước lớn diễn ra trên mọi khía cạnh, các thách thức an ninh phi truyền thống tiếp tục nổi lên. Một trong những thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng nhất hiện nay là đại dịch Covid-19, đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế, đặc biệt là từ các nước lớn, có tiềm lực khoa học, công nghệ, nguồn lực.

Đề cao tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên Biển Đông, Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định: “Nói đến an ninh biển, chúng ta không thể không nhắc tới Biển Đông vì vị trí quan trọng của nó trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta cần phải cùng nhau thúc đẩy những gì chúng ta đã thống nhất, đưa ra những giải pháp phù hợp để đảm bảo lợi ích hợp pháp của tất cả chúng ta. Vấn đề nào liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến nhiều nước thì giải quyết đa phương”.

Trưởng đoàn Việt Nam cho rằng, tất cả các bên liên quan cần phải nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đồng thời cần sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.

Các lực lượng hoạt động trên biển của các quốc gia phải hết sức kiềm chế, không có những hành động làm gia tăng căng thẳng, phức tạp dưới mọi hình thức. Việc tiếp tục thực hiện đầy đủ và toàn bộ Tuyên bố của các bên về ứng xử tại Biển Đông (DOC) cũng như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là việc làm cần hơn bao giờ hết vào lúc này, cùng với việc đối xử nhân đạo với ngư dân trong bất kỳ hoàn cảnh, tình huống nào trên biển. “Làm được điều này, sẽ khẳng định rằng chúng ta là những nhà lãnh đạo quốc phòng vì hòa bình!”, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Hội nghị ADMM+ lần thứ 8 đã thông qua Tuyên bố Bandar Seri Begawan của ADMM+ về việc thúc đẩy một ASEAN sẵn sàng cho tương lai hòa bình và thịnh vượng, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại (nước Cộng) đã một lần nữa khẳng định ASEAN là động lực thúc đẩy trong ADMM+, hợp tác chặt chẽ cùng các đối tác Cộng trên tinh thần nâng cao trách nhiệm tập thể, không ngừng nỗ lực để thúc đẩy lòng tin.

Tuyên bố cũng cho thấy sự ghi nhận các thách thức an ninh chưa có tiền lệ mà khu vực và thế giới phải đối mặt, cũng như những hệ quả của các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên, bao gồm bản chất xuyên biên giới của an ninh mạng; các mối đe dọa về hóa học, sinh học và phóng xạ, khủng bố, tình trạng y tế công cộng khẩn cấp, bao gồm đại dịch Covid-19; thiên tai, trong đó có những thiên tai do biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm. 18 vị Bộ trưởng cũng tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ ADMM+, trong đó có hợp tác về ứng phó với dịch bệnh.

Đối với việc ứng phó với các thách thức an ninh biển cũng như xử lý các vấn đề trên biển trong khu vực, các nước ADMM+ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, cũng như sự cần thiết phải tăng cường lòng tin, sự tin cậy lẫn nhau; thực hiện tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động, tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình; theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không cưỡng ép, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).