Dùng Facebook mà không cần "động thủ"

ANTD.VN - Tại một hội nghị thường niên ở thung lũng Silicon, Facebook đã chính thức công bố triển khai dự án cho phép người dùng tạo văn bản trực tiếp bằng ý nghĩ thông qua giao diện của não bộ, đồng thời liên lạc với nhau qua lớp da tay.

Ngày 19-4 vừa qua, cũng tại hội nghị phát triển F8 của Facebook, Giám đốc điều hành Facebook Regina Dugan (cựu Giám đốc Cơ quan Dự án Nghiên cứu quốc phòng tiên tiến - Bộ Quốc phòng Mỹ) cho biết đây chính là dự án của nhóm “Building 8”.

Nhóm này sẽ quy tụ khoảng hơn 60 nhà khoa học, kỹ sư, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin để triển khai dự án giúp người dùng soạn thảo văn bản bằng chính ý nghĩ của mình. Năm ngoái, cũng tại hội nghị F8 của Facebook, Building 8 đã được đề xuất thành lập và thực hiện giao thức máy tính kết hợp với não bộ con người trong vòng suốt mấy tháng qua.

Và hiện nay, Building 8 đang tiếp tục tuyển lựa nhiều chuyên gia hàng đầu để triển khai dự án trong 2 năm nhằm “phát triển dự án công nghệ tiên tiến dựa trên giao diện não bộ”.

Dùng Facebook mà không cần "động thủ" ảnh 1Công nghệ biểu đạt trạng thái bằng ý nghĩ của Facebook

Biểu đạt trạng thái không cần dùng tay

“Sẽ như thế nào nếu chúng ta có thể soạn văn bản trực tiếp bằng ý nghĩ từ não bộ”, Regina Dugan mở đầu cho hội nghị phát triển dự án. Dugan cũng chia sẻ, bước đầu khi sử dụng những thiết bị cấy ghép trong não bộ, người sử dụng Facebook đã có thể “gõ” được 8 từ trong 1 phút. Điều này tương đương với việc chúng ta chỉ mất 1 phút để có thể biểu đạt trạng  thái (status) của mình bằng ý nghĩ.

Não bộ là một cấu trúc phức hợp, nên mỗi điều mà chúng ta tìm hiểu được về nó sẽ mở ra một cánh cửa mới để khám phá kho tàng bí mật khổng lồ. Trong tương lai gần, công nghệ của Facebook sẽ còn giúp chúng ta trả lời các văn bản, email… mà không cần nhìn vào màn hình.

Nhiều trường đại học công nghệ hàng đầu của Mỹ cũng đã hợp tác với Facebook để tạo ra một “hệ thống không xâm lấn”, có thể soạn văn bản trực tiếp bằng ý nghĩ với tốc độ tối đa lên tới 100 từ/ phút, nhanh hơn 5 lần so với việc gõ trên điện thoại cảm ứng hiện nay.

Ngoài ra, những suy nghĩ được gửi đi và tải lên Facebook cũng không phải là ngẫu nhiên, phải được chọn lựa trước từ người sử dụng. “Chúng ta vẫn thường chụp nhiều ảnh nhưng vẫn phải chọn rồi mới đăng và chia sẻ chúng. Công nghệ của chúng tôi cũng vậy, bạn có nhiều suy nghĩ nhưng sẽ được chọn lọc từ chính bạn trước khi nó được chia sẻ. Công nghệ này đặc biệt rất có ích cho người khuyết tật”, Dugan chia sẻ.

Tại hội nghị F8 vừa qua, bà Dugan cũng chia sẻ 1 đoạn video về 1 người phụ nữ mắc chứng Alzheimer nhưng vẫn sử dụng não để di chuyển con trỏ trên màn hình máy tính và gõ bàn phím một cách chậm chạp.

Nghe qua da

Song song với dự án trên, Building 8 cũng đang nghiên cứu và phát triển một hệ thống cho phép người dùng nghe văn bản chỉ bằng cách chạm vào da của họ. Ý tưởng này của Facebook được bắt nguồn từ chữ Braille, hệ thống chữ nổi dành cho người mù, người khiếm thị. Khi 2 người nói chuyện với nhau, một người sẽ đeo 1 thiết bị điện tử trên tay và người còn lại sử dụng 1 chương trình máy tính để thay đổi áp suất lên tay người kia và sẽ cảm nhận được hình âm của từ trên chính da tay mình. 

Tuy dự án này cần phải được nghiên cứu và phát triển trong nhiều năm nữa, nhưng theo bà Gugan, hy vọng nó sẽ vượt xa các dự án công nghệ thông thường như công nghệ thực tế ảo mà chính CEO Mark Zuckerberg vừa công bố hồi đầu tuần qua. Trước đó, CEO Elon Musk cũng dành không ít công sức để khởi động một dự án mang tên Neuralink Corp., dựa trên ý tưởng tải lên tải xuống ý nghĩ thông qua các điện cực siêu nhỏ được cấy ghép ở phía ngoài da đầu.