Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử còn nhỏ lẻ, hạn chế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hoạt động đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) dù mang lại nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua song thực tế còn rất nhiều khó khăn.
Thêm kênh tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT

Thêm kênh tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT

Năm 2021 Bưu điện Việt Nam bắt đầu tham gia sâu rộng vào chiến lược chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn thông qua việc hỗ trợ 2,7 triệu hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart.vn. Đây là một trong những sàn TMĐT Việt Nam tích cực hỗ trợ đưa nông sản Việt lên sàn, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ nông sản, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn cho đầu ra.

Bên cạnh Postmart, các sàn TMTĐ: Vỏ Sò, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada … cũng triển khai bán nông sản tươi trên sàn, thông qua các chương trình cụ thể như: Đặc sản Sơn La, Ngày hội xứ Dừa – Bến Tre, Phiên chợ Nông sản Việt, Tuần lễ Nông sản Việt, Chương trình đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Hải Dương, vải thiều Bắc Giang, Na Chi Lăng, Bưởi Phúc Trạch… Qua đó, hàng trăm nghìn tấn nông sản tươi đã đến tay người tiêu dùng cả nước, giảm hẳn tình trạng “được mùa, mất giá”.

Tiêu thụ nông sản qua sànTMĐT là một hướng đi mới và bước đầu mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn nhiều vướng mắc.

Ông Nguyễn Đình Kha- Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết, nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu... ở nhiều địa phương cũng không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến, nhưng phương thức bán hàng vẫn còn nhỏ lẻ và phát sinh nhiều hạn chế, nhiều đơn vị gặp khó khăn trong khâu vận hành trên các sàn TMĐT.

Ngoài ra, việc thanh toán điện tử còn nhiều vướng mắc do hạn chế về hạ tầng, an ninh, an toàn thanh toán… Kỹ năng chụp ảnh, quay video, đăng bài giới thiệu sản phẩm của bà con nông dân dù đã được tập huấn nhưng vẫn chưa thành thục.

Thậm chí, ở giai đoạn đầu triển khai, do thiếu kinh nghiệm bảo quản và vận chuyển nên một số loại nông sản khi đến tay người mua không còn tươi ngon.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền- Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thời gian qua cơ quan nhiều tỉnh, thành phố đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các đơn vị đối tác liên quan tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử và các hoạt động phát triển thị trường nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm Việt.

Ngoài những nỗ lực kết nối của chính quyền địa phương, nhiều cá nhân như nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu... cũng chủ động "chào hàng trực tuyến” trên thị trường thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Để hỗ trợ nông dân trên sàn TMĐT, các sàn TMĐT sẽ tập huấn cho bà con nông dân cách thức đưa sản phẩm lên sàn hiệu quả.

Đối với định hướng phát triển thị trường TMĐT, sau giai đoạn phát triển chiều rộng, định hướng của giai đoạn sắp tới là phát triển về chiều sâu, tức là làm tăng giá trị đơn hàng giao dịch trực tuyến, người tiêu dùng tin tưởng đặt các mặt hàng có giá trị lớn qua TMĐT.

Để làm được điều này, các chính sách phát triển TMĐT trong giai đoạn tới sẽ tập trung nâng cao các tiêu chuẩn trong thương mại điện tử, hoàn thiện nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử bao gồm: Thanh toán đảm bảo, Xác thực thông tin giao dịch, Giao hàng tiêu chuẩn, Chứng từ điện tử và kết hợp các giải pháp đánh giá tín nhiệm của người bán hàng.