Đưa hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội vào khuôn khổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Facebook, Youtube… lâu nay là “mảnh đất màu mỡ” cho những người kinh doanh trực tuyến trong khi ràng buộc trách nhiệm của họ lại rất thấp. Tới đây, hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội sẽ bị siết chặt, tương tự như một số hình thức thương mại điện tử truyền thống. Những quy định mới được đề cập tới trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.
Mua sắm trên mạng xã hội đang được nhiều người lựa chọn

Mua sắm trên mạng xã hội đang được nhiều người lựa chọn

Vì sao phải quản chặt?

Là chủ cửa hàng kinh doanh quần áo tại Hà Nội, chị Mai Phương (Đống Đa) cho biết, vừa qua, thấy trên mạng xã hội Facebook có một shop chạy tin bán hàng giảm giá (sale off) rất rẻ, hàng lại khá đẹp nên chị đặt cọc hơn 1 triệu đồng đề mua số lượng lớn về bán lẻ. Tuy nhiên, đến hẹn mà hàng không thấy giao, chị Phương liên hệ tới số điện thoại của shop thì được báo không liên lạc được. Liên hệ với ngân hàng, chị Mai Phương được biết số tài khoản mà người bán hàng trên Facebook cung cấp là tài khoản lừa đảo, ngân hàng không hỗ trợ giải quyết.

Tương tự, trong nhóm kín mua sắm hàng đặt (order) từ nước ngoài về Việt Nam trên Facebook, tình trạng người mua tố người bán giao hàng nhái (fake) diễn ra khá thường xuyên. Hàng hóa trong nhóm này gồm đủ loại, được quảng cáo là hàng chính hãng xách tay về Việt Nam gồm: mỹ phẩm, quần áo, giày dép, phụ kiện… “Tuần nào cũng có khách hàng đăng bài nhờ đối chất hàng giả hay hàng thật, người bán hàng chúng tôi nhiều khi cũng không thông thạo hết được” - Phạm Hiền, chủ một shop kinh doanh trong nhóm kín nói.

Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều biểu hiện vi phạm của người kinh doanh trên mạng xã hội. Thực tế cho thấy, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý rất nhiều vụ việc bán hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội, trong đó có vụ việc “đình đám” là kho hàng giả rộng 10.000m2 tại thành phố Lào Cai năm 2020. Hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… qua mạng xã hội đang ngày càng trở nên phổ biến. Song, ở mặt khác, kinh doanh trên mạng xã hội với ưu điểm là tiếp cận khách hàng dễ dàng, chưa phải đóng thuế, chi phí quảng cáo, gian hàng thấp nên đây là một trong những hình thức kinh doanh thương mại điện tử lớn hiện nay. Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương mới đây cho thấy, mạng xã hội tiếp tục là kênh tiếp thị phổ biến nhất của các doanh nghiệp. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả cao là 45%, trong khi tỷ lệ này đối với bán hàng qua website là 32% và qua ứng dụng di động là 22%.

Tỷ lệ doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp là 49%. Tỷ lệ doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua email, website, sàn giao dịch TMĐT/mạng xã hội lần lượt là 84%, 36% và 31%. Tỷ lệ doanh nghiệp đặt hàng qua các phương thức trên tương ứng là 84%, 44% và 32%. Kéo theo đó, vi phạm liên quan đến kinh doanh trên mạng xã hội ngày càng nhiều nên cần thiết phải có hình thức quản lý chặt chẽ hơn.

Quy định đã có nhưng chưa thực hiện

Từ năm 2014, hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội đã buộc phải đăng ký nếu mô hình này tương tự như sàn thương mại điện tử. Cụ thể, theo Thông tư 47/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử (Thông tư số 47), các mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động: website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ sẽ phải thực hiện đăng ký với Bộ Công Thương như với sàn thương mại điện tử.

Về mặt bản chất và phương thức tổ chức, hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội cũng giống với hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Do vậy, Thông tư số 47 làm rõ hơn quy định của Nghị định số 52, yêu cầu các mạng xã hội có hoạt động theo hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử (như liệt kê tại khoản 2, Điều 35 Nghị định số 52) phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương và tuân thủ các quy định liên quan tới sàn giao dịch thương mại điện tử tại Nghị định này.

Bên cạnh đó, với những người kinh doanh trên mạng xã hội thuộc diện như trên sẽ phải thực hiện đóng thuế. Quy định này nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho thương mại điện tử phát triển, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Chiểu theo quy định trên thì không ít trang kinh doanh trên mạng xã hội lâu nay sẽ thuộc diện buộc phải đăng ký và thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, dường như chưa có tổ chức, cá nhân nào kinh doanh trên mạng xã hội thực hiện quy định trên, nghĩa vụ đóng thuế với người kinh doanh trên mạng xã hội vẫn là vấn đề “nóng”, chưa được giải quyết.

Quản lý nghiêm ngặt hơn

Theo Tờ trình dự thảo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về quản lý hoạt động thương mại điện tử, Bộ Công Thương cho rằng, với bản chất của thương mại điện tử là hoạt động thương mại áp dụng các tiến bộ trong công nghệ thông tin và Internet, hoạt động thương mại điện tử cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng.

Nhiều mô hình mới xuất hiện, đa dạng về cách thức hoạt động và chủ thể tham gia, đặc biệt, các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch thương mại điện tử phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh; các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt là vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội.

Sách trắng thương mại điện tử 2019 cũng cho thấy, trong xu hướng chung về hội tụ công nghệ, các mạng xã hội đã và đang được bổ sung nhiều tính năng hoạt động như sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của Nghị định 52. Theo báo cáo của Nielsen và Demand Institute công bố năm 2017, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm đa kênh (omni- channel), trong đó mạng xã hội là kênh tiếp thị tiêu dùng, kinh doanh thương mại được ưa chuộng và hiệu quả của đa số thương nhân và cá nhân hoạt động thương mại.

Mặc dù giao dịch qua mạng xã hội rất đa dạng, các hoạt động này có nhiều điểm tương đồng với các phương thức thương mại điện tử truyền thống như tiếp thị, bán hàng thông qua trang cá nhân, chuyên trang (fanpage - tương tự như website bán hàng), hoặc trên chợ (marketplace, shop... - tương ứng với sàn giao dịch thương mại điện tử) được tích hợp trong tính năng của mạng xã hội.

Đại diện Ban soạn thảo cho biết, hiện các hoạt động thương mại điện tử của mạng xã hội đã bước đầu được quy định tại khoản 4, Điều 25 Nghị định 52 và các văn bản hướng dẫn thi hành (Thông tư 47/2014/TT-BCT). Tuy nhiên, để đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này cũng như về quản lý mạng xã hội cũng đang được đề nghị xây dựng trình Chính phủ; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người tiêu dùng, cơ quan quản lý Nhà nước của các chủ thể hoạt động thương mại điện tử với bản chất tương đồng nhau, có xét đến các đặc thù riêng của mạng xã hội;

Đồng thời tạo môi trường kinh doanh ổn định, cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật, việc bổ sung, làm rõ các quy định về hoạt động thương mại điện tử của mạng xã hội, Nghị định sửa đổi Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử sẽ không còn “thả nổi” hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội.

Tại Việt Nam, thương mại điện tử đang trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị phần bán lẻ thuộc top ba của khu vực. Thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên 10.08 tỷ USD năm 2019; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 5 năm trở lại đây ổn định ở mức 30%/năm, dự kiến năm 2020 doanh thu thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 13 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, tăng gấp 5,5 lần so với thời điểm trước khi ban hành Nghị định 52.