Đốt, phá xe của chính mình coi chừng phải ngồi tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một người đàn ông đã châm lửa đốt chiếc xe ô tô rồi phát trực tiếp (livestream) thu hút hàng nghìn lượt người theo dõi, bình luận. Theo các chuyên gia pháp lý, người thực hiện hành vu này có thể bị phạt tiền, thậm chí phạt tù.

Người đàn ông châm lửa đốt một chiếc xe ô tô trên đường, sau đó dùng điện thoại livestream trên mạng xã hội được xác định là T.C.V (44 tuổi) trú tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Khi điều khiển xe đến đường 2-9, TP Đà Nẵng, người này đã dừng lại, lấy một can nhựa chứa chất đốt, châm lửa, ném vào cửa ôtô đã mở sẵn khiến chiếc xe này bị cháy rụi.

Phân tích hành vi trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, để có căn cứ xử lý cơ quan chức năng sẽ làm rõ chiếc xe ô tô bị đốt thuộc sở hữu của ai, mục đích đốt xe là gì.

Nếu chiếc xe thuộc quyền sở hữu của cá nhân có hành vi đốt xe, theo BLDS 2018, chủ sở hữu tài sản có quyền định đoạt tài sản của mình như chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản. Song để thực hiện quyền này đòi hỏi cá nhân đó phải có năng lực hành vi dân sự thực hiện và không trái với các quy định khác của pháp luật.

Nếu chủ sở hữu tự đốt, phá phương tiện của mình trên đường giao thông - nơi công cộng, thì hành vi của người này có thể gây ách tắc giao thông hoặc ảnh hưởng đến sự an toàn của những người tham gia giao thông khác nên có thể cấu thành Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318, BLHS 2015. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 1-10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Chiếc xe ô tô đã hư hỏng sau khi bị đốt cháy

Chiếc xe ô tô đã hư hỏng sau khi bị đốt cháy

Cũng theo Luật sư Thu, trong trường hợp ô tô là tài sản của người khác thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi mà cá nhân có hành vi đốt xe rồi livestream lên mạng xã hội có thể bị có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản và người vi phạm phải bồi thường thiệt hại.

Điều 178 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Còn nếu kết quả xác minh cho thấy cá nhân đốt xe nhằm quảng cáo cho một hãng xe hoặc một sản phẩm nào đó thì người này có thể bị phạt hành chính.

Khoản 4, Điều 34 Nghị định 38/2021 quy định phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với người nào thực hiện hành vi quảng cáo có hành động, lời nói, hình ảnh, âm thanh, chữ viết tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em - Luật sư Thu nhấn mạnh.