Đợt bùng phát bí ẩn bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu và Bắc Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một số nước như Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Mỹ, Canada… đã ghi nhận các trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở người, một loại virus hiếm thấy ở châu Âu và Bắc Mỹ. Các cơ quan y tế hiện đang ráo riết tìm cách giải đáp bí ẩn về cách thức các ca bệnh liên quan, vì bệnh đậu khỉ không dễ lây truyền.
Nhiều nước châu Âu đang đẩy mạnh nghiên cứu sau khi phát hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên

Nhiều nước châu Âu đang đẩy mạnh nghiên cứu sau khi phát hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên

Các nhà khoa học “bối rối”

Cuối ngày 20-5, các quan chức y tế bang New York, Mỹ cho biết đang điều tra một trường hợp nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ sau khi xác định một bệnh nhân có xét nghiệm dương tính với họ virus hiếm gặp. Khả năng lây nhiễm có thể xảy ra ở New York khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định được khoảng 80 trường hợp trên toàn cầu và khoảng 50 ca nghi ngờ khác.

Trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa trên khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận tại Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970. Mặc dù, từ đó nó xảy ra lẻ tẻ trên khắp các quốc gia Trung và Tây Phi, WHO cho biết, mối đe dọa về bệnh dịch do bệnh đậu mùa ở khỉ gây ra là cực kỳ thấp. Virus này có nguồn gốc từ các loài linh trưởng và các loài động vật hoang dã khác. Căn bệnh dẫn đến kích ứng da với mụn mủ và mụn nước, sau đó vỡ ra rồi đóng vảy, mặc dù chúng hiếm khi để lại sẹo. Bệnh đậu mùa ở khỉ có thời gian ủ bệnh từ 7 đến 21 ngày. Ngoài kích ứng da, đầu, cơ và đau lưng là những triệu chứng phổ biến, đồng thời có thể xảy ra sốt, ớn lạnh và sưng hạch bạch huyết.

Các nhà khoa học đã theo dõi nhiều đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi cho biết, họ cảm thấy bối rối trước sự lây lan gần đây của căn bệnh này ở châu Âu và Bắc Mỹ. Các trường hợp mắc bệnh liên quan đến đậu mùa trước đây chỉ được phát hiện ở những người có mối liên hệ với Trung và Tây Phi. Nhưng trong tuần qua, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Mỹ, Thụy Điển và Canada đều báo cáo có các ca nhiễm, chủ yếu ở nam thanh niên trước đây chưa từng đi du lịch châu Phi. Đến ngày 20-5, Pháp, Đức, Bỉ và Australia cũng ghi nhận những trường hợp đầu tiên. “Tôi choáng váng vì điều này. Mỗi ngày tôi thức dậy và có thêm nhiều quốc gia bị nhiễm bệnh”, Oyewale Tomori, nhà virus học từng đứng đầu Học viện Khoa học Nigeria và là người tham gia một số ban cố vấn của WHO cho biết. “Đây không phải là kiểu lây lan mà chúng tôi đã thấy ở Tây Phi, vì vậy có thể có điều gì đó mới xảy ra ở phương Tây”, ông Oyewale Tomori nói. Theo WHO, Nigeria thường có khoảng 3.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở khỉ mỗi năm. Ông Tomori cho biết, các đợt bùng phát thường ở các vùng nông thôn, khi mọi người tiếp xúc gần với chuột và sóc bị nhiễm bệnh.

Tranh cãi về phương thức lây truyền

Ông David Heymann, Chủ tịch Nhóm cố vấn chiến lược và kỹ thuật của WHO về Các mối nguy truyền nhiễm có khả năng xảy ra đại dịch đã chủ trì một cuộc họp của nhóm vào ngày 20-5 “vì tính cấp bách của tình hình”. Căn bệnh đậu mùa ở khỉ lây qua đường nào là câu hỏi được giới khoa học đang cố tìm ra lời giải. Việc lây truyền bệnh từ người sang người cần có sự tiếp xúc gần gũi về cơ thể. Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang cố gắng xác định chắc chắn liệu sự lây truyền có xảy ra qua tiếp xúc giữa da bị tổn thương hoặc chất tiết ra từ thủy đậu hay không. Nhưng WHO đang nghiêng về giả thuyết rằng, các trường hợp được xác định cho đến nay là do lây lan qua quan hệ tình dục.

Sau khi trường hợp đầu tiên được báo cáo ở Anh vào đầu tháng 5, các nhà chức trách đã nhanh chóng truy ra nguồn gốc của virus vì bệnh nhân dường như đã mắc bệnh hiếm gặp trong một chuyến đi đến Nigeria. Tuy nhiên, việc truy vết của 11 ca nhiễm mới (tính đến 20-5) khó khăn hơn, vì không ai trong số đó đã đến châu Phi cũng như không có liên hệ với nhau. Đáng chú ý, một số trong các thanh niên này đều có quan hệ đồng giới. Nhưng nhiều chuyên gia y tế ở Anh đã nói rõ rằng, họ vẫn chưa thấy bằng chứng đầy đủ hay phân tích dịch tễ học rõ ràng để cho thấy bệnh đậu mùa khỉ ở người là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

“Phương thức lây lan có khả năng xảy ra cao nhất trong nhóm này là qua tiếp xúc gần: chạm vào da hoặc giường, hoặc đồ dùng chung. Không cần thiết phải công nhận việc lây truyền qua đường tình dục”, ông Jimmy Whitworth, Giáo sư y tế công cộng quốc tế tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (LSHTM) nói.

Cần nghiên cứu và đề phòng

Ông Christian Happi, Giám đốc Trung tâm về gene của các bệnh truyền nhiễm ở châu Phi cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì giống như những gì đang xảy ra ở châu Âu. Hiện chưa có gì để nói rằng, các mô hình lây truyền bệnh đậu mùa ở khỉ đang thay đổi ở châu Phi. Vì vậy, nếu điều gì đó khác biệt đang xảy ra ở châu Âu, thì châu Âu cần phải điều tra”. Ông Happi cũng chỉ ra rằng, việc tạm dừng các chiến dịch tiêm phòng đậu mùa sau khi căn bệnh này đã được loại trừ vào năm 1980 có thể vô tình giúp bệnh đậu mùa ở khỉ lây lan. Thuốc chủng ngừa đậu mùa cũng bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa ở khỉ, nhưng việc chủng ngừa hàng loạt đã bị ngừng cách đây nhiều thập kỷ.

Một cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo rằng, số ca mắc bệnh có thể tăng đột biến trong những tháng hè khi mọi người tham gia các buổi tụ họp và lễ hội lớn vào mùa hè. Bà Susan Hopkins thuộc Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) khuyến cáo, những người có quan hệ đồng giới phải để ý phát ban bất thường hoặc tổn thương trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu cũng khuyến cáo tất cả các trường hợp nghi ngờ nên được cách ly và những người tiếp xúc có nguy cơ cao phải được tiêm vaccine đậu mùa.

Các nhà khoa học đã theo dõi nhiều đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi cho biết, họ cảm thấy bối rối trước sự lây lan gần đây của căn bệnh này ở châu Âu và Bắc Mỹ. Bệnh thường gây sốt, ớn lạnh, phát ban và các tổn thương trên da với thời gian ủ bệnh từ 7 đến 21 ngày.