Đồng Ruble Nga tăng mạnh bất chấp các lệnh trừng phạt và nguy cơ “vỡ nợ”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đồng Ruble Nga sau khi gần như rơi vào tình trạng sụp đổ hồi tháng 3 khi giảm 40% - lên tới 139 RUB/USD thì hiện đã giành lại gần như tất cả mọi giá trị ban đầu. Cụ thể, đồng tiền quốc gia của Nga chỉ mất hơn một tháng để trở lại mức tháng 2 là 76 RUB/USD, bất chấp nhiều lệnh trừng phạt chống Nga và “sự vỡ nợ kỹ thuật” mà phương Tây chuẩn bị sẵn.

Người đứng đầu Tạp chí Tài chính và Kinh tế của Viện Phát triển Đương đại, nhà khoa học chính trị Nikita Maslennikov trong cuộc phỏng vấn với PolitRussia giải thích rằng, sự tăng trưởng của đồng Ruble bất chấp các lệnh trừng phạt và nguy cơ “vỡ nợ” được liên kết với một số yếu tố.

Nhà khoa học chính trị Nikita Maslennikov

Nhà khoa học chính trị Nikita Maslennikov

Trước hết, tỷ giá hối đoái của đồng tiền quốc gia Nga hiện được kiểm soát bởi giá cả hàng hóa xuất khẩu và cường độ dòng chảy thương mại, trong đó xuất khẩu dầu mỏ đóng một vai trò quan trọng. “Dầu Brent có giá vào khoảng 104 - 106 USD/thùng trong ngày 6-4. Dầu Ural đang giao dịch thấp hơn nhiều khi mức chiết khấu trung bình trong tháng 3 là khoảng 20 USD. Tuy nhiên, mức này vẫn cao hơn so với dự báo được đưa ra bởi cả Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nga vào tháng 1-2022. Họ đã được hướng dẫn bởi thực tế rằng giá trung bình hàng năm sẽ vào khoảng 70 USD mỗi thùng. Trong khi đó, hiện giờ giá trung bình hàng quý là 89 USD. Yếu tố giá đang phản ánh động lực của dòng chảy, bù đắp tác động lên tỷ giá hối đoái”, chuyên gia Maslennikov nói.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến đồng Ruble là động lực của dòng tiền vào và ra từ những người không cư trú đầu tư vào những tài sản tài chính của Liên bang Nga, và tình hình địa chính trị gắn với sự lên xuống của nó. “Đối với những người không cư trú, do kiểm soát tiền tệ và kiểm soát vốn - chúng tôi có rất nhiều hạn chế - dòng vốn chảy ra bằng không. Yếu tố này dẫn đến sự suy yếu của đồng Ruble đã bị vô hiệu hóa”, vị chuyên gia giải thích.

Theo nhà phân tích, tỷ giá hối đoái hiện tại của đồng Ruble không phải là mãi mãi. Trong một vài tuần hoặc một vài năm - tất cả phụ thuộc vào những gì xảy ra sau chiến dịch quân sự - tình hình tiền tệ sẽ bình thường hóa theo thị trường. Theo ông, sự suy giảm của đồng Ruble và sau đó là sự tăng giá mạnh cho phép Nga kiềm chế đáng kể lạm phát trong tương lai.

Thông thường, sự suy yếu của đồng tiền quốc gia sẽ ảnh hưởng đến giá cả trong nước, và trong vài tháng hoặc quý sau đó, đất nước phải đối diện tình trạng lạm phát tăng vọt. Nhưng nhờ sự mạnh lên của đồng Ruble, hiệu ứng này rất có thể sẽ được làm dịu đi. “Do tỷ giá hối đoái suy yếu, chúng ta sẽ có thêm sự tăng tốc của lạm phát, nhưng nó sẽ không kéo dài và sẽ không mạnh. Đây là một hiệu ứng quan trọng. Ngay cả khi bạn nhìn vào tỷ lệ lạm phát: vào đầu tháng 3 là 2,2% trong khi tới cuối tháng - 0,99%”. “Tất nhiên, gần 1% lạm phát hàng tuần và tỷ lệ hàng năm là 16,7% là rất nhiều, nhưng tốc độ đang bắt đầu chậm lại. Đây là hệ quả của việc tăng tỷ giá hối đoái của đồng Ruble”, chuyên gia này nói.