Đối mặt với mặt bằng giá mới

(ANTĐ) - Quay trở về với bữa cơm thường nhật sau những ngày Tết, người dân Thủ đô không khỏi ngỡ ngàng bởi một bữa ăn đơn giản cũng có mức chi phí tăng ít nhất là gấp rưỡi so với thời điểm một tháng trước Tết. Giá cả thực phẩm, dịch vụ tăng cao sau Tết đã thành quy luật nhưng vẫn còn mối lo là liệu mức giá này có trở thành mặt bằng giá mới đối với người dân sau Tết Mậu Tý?

Thực phẩm và dịch vụ ăn uống:

Đối mặt với mặt bằng giá mới

(ANTĐ) - Quay trở về với bữa cơm thường nhật sau những ngày Tết, người dân Thủ đô không khỏi ngỡ ngàng bởi một bữa ăn đơn giản cũng có mức chi phí tăng ít nhất là gấp rưỡi so với thời điểm một tháng trước Tết. Giá cả thực phẩm, dịch vụ tăng cao sau Tết đã thành quy luật nhưng vẫn còn mối lo là liệu mức giá này có trở thành mặt bằng giá mới đối với người dân sau Tết Mậu Tý?

Giá mua vào cao hơn trước Tết

Giá thực phẩm ngoài chợ xanh vẫn đang biến động hàng ngày theo nhiều nguyên nhân lý giải của các chủ kinh doanh nào là do thời tiết xấu, rét hại kéo dài nào là do nhà cung cấp vẫn đang ăn Tết nên thiếu nguồn hàng... Hầu hết các hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống tại các chợ xanh đều khẳng định phải ngoài Rằm tháng Giêng âm lịch, giá cả thực phẩm mới có thể bớt căng thẳng. Theo Bà Tạ Thị Liên - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Thực phẩm Hà Nội, tại thời điểm này giá thịt lợn công ty mua vào đang phải chịu mức cao hơn cả thời điểm trước Tết. Cụ thể, giá thịt lợn thăn khoảng 90.000 đồng/kg, mông sấn: 70.000 đồng/kg. Đặc biệt mặt hàng xương, sườn lợn không những giá tăng cao mà còn gần như “cháy” hàng vì lý do nhu cầu tăng đột biến để phục vụ các bữa ăn lẩu đổi vị sau Tết.

Thủy hải sản- một trong những thực phẩm tăng giá mạnh nhất
Thủy hải sản- một trong những thực phẩm tăng giá mạnh nhất

Bà Tạ Thị Liên cho biết, hiện giá mặt hàng thịt lợn cao hơn vài giá so với thời điểm trước Tết là do nhiều hộ chăn nuôi vẫn đang nghỉ Tết. Với hy vọng mức giá này có thể sẽ giảm sau vài ngày tới khi các nhà cung cấp quay trở về nhịp độ hoạt động ngày thường, công ty vẫn đang cố duy trì mức giá ổn định các sản phẩm truyền thống như giò các loại với giá 93.000 đồng/kg giò lụa, 99.000 đồng/kg giò bò. Đối với các loại rau xanh, giá đã hạ xuống chút ít so với những ngày Mùng 3, 4 Tết, tuy nhiên vẫn dừng ở mức cao hơn nhiều so với thời điểm một tháng trước Tết. Ngoài ra, một trong những mặt hàng được đánh giá là có mức giá cao từ nay cho đến Rằm tháng Giêng âm lịch là các loại hoa quả khi giá cam Canh hiện là 35.000-40.000 đồng/kg, cam sành 20.000-25.000 đồng/kg,  táo đỏ 60.000 đồng/kg, ổi 18.000 đồng/kg, bưởi Năm Roi: 18.000 đồng/kg.

Nhà phân phối bị “khóa tay”

So với khu vực chợ xanh, giá cả các mặt hàng thực phẩm trong siêu thị được duy trì ổn định hơn. Đại diện hệ thống siêu thị Fivimart cho biết, với vị trí nhà phân phối lớn, công ty đã có hợp đồng dự trữ nguồn hàng với các nhà sản xuất cũng như các hộ chăn nuôi về nguồn hàng sau Tết nên mức giá hiện tại không thay đổi so với trước Tết.

Được biết, thời điểm trước Tết, giá các mặt hàng rau sạch tại siêu thị đứng ở mức thấp hơn so với giá cùng mặt hàng này ở khu vực chợ xanh. Chính vì vậy, nhiều người tiêu dùng muốn quay trở lại mua hàng tại các hệ thống siêu thị sau những ngày nghỉ Tết.

Tuy nhiên, đại diện siêu thị Fivimart cho biết do các hộ chăn nuôi nông thôn thiếu người lao động sau Tết nên nguồn cung chỉ đạt khoảng 50% so với đơn đặt hàng của siêu thị. Đây là lý do mà ngay ngày đầu mở hàng, 12-2, siêu thị Fivimart Đại La đã nhanh chóng hết rau sạch. Còn theo siêu thị Big C, mặc dù doanh nghiệp này sẵn sàng trả tiền trước để ký hợp đồng cung cấp rau sạch với các hộ dân, hợp tác xã nhưng cũng không thể đảm bảo đủ lượng rau xanh như trước Tết.

Liệu có hình thành mức giá mới?

Giá một bát phở gà là 15.000 đồng trước Tết thì sau Tết tăng vọt lên 25.000 đồng/bát, bún ốc, bún riêu từ 10.000 đồng/bát cũng tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, hiên tượng giá tăng vọt đối với một số sản phẩm dịch vụ ăn uống thời điểm sau Tết không đáng lo ngại bằng việc điều chỉnh giá nhích từ từ của một số địa điểm dịch vụ ăn uống uy tín. Việc tăng giá từ 1.000-2.000 đồng cho những món quà sáng như xôi, bún ốc, phở... tại thời điểm này ở một số điểm bán hàng ăn có tiếng lâu nay cho thấy khả năng đây là mức giá mới không chỉ được áp dụng vào thời điểm sau Tết mà là sự điều chỉnh lâu dài.

Đặc biệt, bất lợi về thời tiết lạnh kéo dài tại các tỉnh miền Bắc cũng dễ tạo khả năng nâng mặt bằng giá đối với các mặt hàng rau củ quả. Theo ông Hồ Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Thương mại Hà Nội thì từ nay đến hết tháng 2, giá cả sẽ ổn định dần nhưng vẫn đứng ở mức cao. Ngoài ra, dự báo tình hình thị trường thế giới cũng cho thấy các mặt hàng lương thực thực phẩm ở nhiều nước đều tăng giá do bất lợi về điều kiện thời tiết, dịch bệnh và do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới thị trường trong nước.

Duy Anh