Doanh nghiệp xăng dầu muốn được tự quyết chi phí trong cơ cấu giá xăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, để thị trường xăng dầu vận hành ổn định, tránh được tối đa những “cú sốc” như thời gian vừa qua, bên cạnh việc được tính đúng, tính đủ, doanh nghiệp muốn được tự quyết định để tạo ra thị trường cạnh tranh và bình đẳng.
Cần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước

Cần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước

Nêu ý kiến tại tại tọa đàm "Giải bài toán chi phí kinh doanh - Khơi thông "điểm nghẽn" do Báo Công Thương tổ chức, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng nên để doanh nghiệp tự quyết chi phí kinh doanh xăng dầu để ổn định thị trường và tạo ra sự cạnh tranh, bình đẳng.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Luật Giá quy định, xăng dầu là một mặt hàng trong danh mục bình ổn giá và xăng dầu do Nhà nước định giá phải đảm bảo chi phí, lợi nhuận hợp lý cho doanh nghiệp.

“Đó là nguyên tắc đầu tiên của Luật Giá, nhưng trong bối cảnh hiện nay chúng ta phải tìm ra phương thức hợp lý. Chúng tôi có kiến nghị, để đảm bảo các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu về không lỗ thì nên sử dụng quỹ bình ổn để bù đắp cho khoản lỗ. Đấy là biện pháp vừa làm dung hoà được giá bán cho người dùng và cũng hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều băn khoăn là cơ chế xử lý như thế liệu có đúng chưa khi chưa có quy định. Hoặc phương án thứ hai, trích từ những doanh nghiệp mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu. Như vậy thì người tiêu dùng phải chịu giá cao nhưng nó đảm bảo được một mặt bình đẳng đối với tất cả các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh”- ông Bùi Ngọc Bảo nói.

Ông Bùi Ngọc Bảo cũng cho hay, giá xăng năm 2022 có lúc đã vượt qua mức giá 30.000 đồng/lít và chúng ta đã vượt qua bình thường. Tuy nhiên, còn 1 tháng rưỡi nữa sẽ bắt đầu trở lại việc hoàn thuế Bảo vệ môi trường, do đó, nếu không xử lý sớm thì việc tăng đột ngột sẽ càng khó cho doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, cơ cấu giá bán xăng dầu hiện nay phải xác định cho sát với thực tế và hợp lý… Như vậy, doanh nghiệp mới có thể đảm bảo tồn tại được.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng, cần xem lại chính sách thuế, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong cung ứng xăng dầu và người tiêu dùng phải chia sẻ với doanh nghiệp.

Nêu lên giải pháp, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trước mắt nên rà soát lại tất cả các kế hoạch từ nhập khẩu đến tiêu thụ của các địa phương trong những tháng cuối năm và đầu năm 2023. Từ đó có những kế hoạch nhập khẩu hoặc nhập hàng để đáp ứng nhu cầu.

“Nếu cần thiết thì phải có điều chỉnh để giá nhập về phải tương xứng với giá mua trong nước để các doanh nghiệp bình đẳng với nhau. Phải có cơ chế cụ thể giữa doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp cung ứng, bán lẻ để từ đó có hoạt động tương đối độc lập của các doanh nghiệp.

Mỗi doanh nghiệp độc lập phải tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh cũng như lãi lỗ từ đó đảm bảo tính cạnh tranh tốt hơn. Để không có chuyện như chúng ta nói là ông này đổ cho ông kia”- PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Về lâu dài, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phải hướng đến kinh tế thị trường, ở đó Nhà nước chỉ định ra cái khung còn doanh nghiệp dần dần phải nới rộng ra để họ có quyền hoạt động độc lập, quyền quyết định về giá, quyền quyết định về chi phí. Nếu doanh nghiệp nào tiết kiệm được chi phí thì doanh nghiệp đó được hưởng.

Ở kỳ điều hành giá xăng dầu hôm nay (11-11), chi phí định mức kinh doanh xăng dầu sẽ được điều chỉnh thêm tối đa 680 đồng/lít xăng (dầu). Đây là bước tháo gỡ từng phần khó khăn trong kinh doanh xăng dầu hiện nay.