Doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng mạnh nhưng khó tuyển dụng nhân viên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hơn 48 nghìn doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm nay. Thống kê này cho thấy doanh nghiệp đã lấy lại niềm tin sau đại dịch.
Sản xuất phục hồi tích cực

Sản xuất phục hồi tích cực

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc một công ty quy mô nhỏ chuyên cung cấp thiết bị ngành nước cho biết, sau gần 2 năm dịch bệnh, việc tuyển dụng nhân viên hiện tại rất khó khăn.

“Chúng tôi muốn tuyển thêm 2 nhân viên kế toán và 3 nhân viên marketing nhưng đăng tin mãi cũng chỉ lèo tèo vài hồ sơ ứng tuyển. Hiện tại nhiều dự án là đối tác của chúng tôi đều đồng loạt triển khai nên công ty thiếu người”.

Theo chủ doanh nghiệp này, dịch bệnh Covid-19 với những hậu quả chưa từng có đã khiến hàng triệu người lao động rời thành phố về quê vì sự an toàn và ổn định. Thế nên tuyển dụng công nhân hiện tại không dễ.

Bà Trần Thu Thủy- trưởng phòng nhân sự một công ty may mặc cũng cho biết hiện tại rất khan hiếm công nhân. “Các công ty lớn trong ngành may mặc, điện tử… liên tục tuyển dụng công nhân và họ có xe đưa đón, chế độ đãi ngộ, nhà ở tốt hơn nên tuyển dụng dễ hơn. Họ gần như vét hết người lao động ở các vùng ven Hà Nội.

Công ty quy mô nhỏ như chúng tôi có tuyển dụng được nhưng rất nhiều công nhân đã không còn ở độ tuổi “vàng" nữa, năng suất lao động và tay nghề cũng hạn chế hơn”.

Theo bà Thủy, muốn tuyển dụng công nhân ở thời điểm hiện tại, ngoài mức lương và bảo hiểm đảm bảo, người lao động còn muốn được hỗ trợ về nhà ở. Những yêu cầu này không phải công ty nào cũng đáp ứng ngay được, nhất là sau 2 năm đại dịch, nội lực của công ty đã suy yếu đi nhiều. Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa đang “loay hoay” vì thiếu nhân sự.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng qua, cả nước có 48,1 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 48,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả 17 lĩnh vực, trong đó phải kể đến các lĩnh vực đã chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua như: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (748 doanh nghiệp, tăng 192,2%); giáo dục và đào tạo (1.201 doanh nghiệp, tăng 68,7%);

Kinh doanh bất động sản (1.684 doanh nghiệp, tăng 61,3%); bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (18.063 doanh nghiệp, tăng 58,3%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.765 doanh nghiệp, tăng 51,0%) và dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (2.701 doanh nghiệp, tăng 48,6%).

Đây là tín hiệu cho thấy các chính sách của Chính phủ trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, tạo niềm tin cũng như cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn đối với các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng hoạt động là việc tuyển dụng được nhân lực phục vụ cho sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp đã phải có các phương án về nhà ở, bố trí công việc, lương thưởng, chế độ đãi ngộ để giữ chân và thu hút người lao động quay trở lại làm việc.

Cơ quan thống kê cũng cho biết, tại thời điểm ngày 1-8-2022, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp chỉ tăng 0,6% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 23,2% so với cùng thời điểm năm trước. Nhu cầu lao động của doanh nghiệp vẫn rất cao.

Để tạo điều kiện cho người lao động ngoại tỉnh yên tâm làm việc, nhiều chính sách của Chính phủ được ban hành nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động. Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; đặc biệt là Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…

Bên cạnh đó, các địa phương cũng có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm lao động để doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất.