Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có kiến nghị một loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.
Xuất khẩu thủy sản có thể đạt kỷ lục mới

Xuất khẩu thủy sản có thể đạt kỷ lục mới

VASEP cho biết, hiện các doanh nghiệp đang gặp vướng mắc trong cắt, giảm hạn mức tín dụng cho vay của các Ngân hàng Thương mại (NHTM); chi phí tuân thủ xử lý môi trường và thiếu lao động.

Đối với khó khăn về tài chính, VASEP cho hay, từ giữa năm 2022 đến nay và đặc biệt trong thời điểm hiện tại, nhiều chi nhánh của các NHTM tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với các doanh nghiệp thủy sản, mặc dù hạn mức tín dụng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ giải ngân được 60-80%. Do không được giải ngân nên nhiều doanh nghiệp lớn có nhu cầu vốn nhiều không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành.

Thậm chí, có doanh nghiệp đang triển khai các dự án sản xuất thủy sản đã phải ngừng thi công. Vì vậy, VASEP kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo với các NHTM tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thủy sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay bình thường trong giai đoạn mà xuất khẩu thủy sản đang trên đà phục hồi và tăng trưởng như hiện nay và năm tới 2023;

Đồng thời, Chính Phủ cần sớm có biện pháp hỗ trợ để bình ổn giá các loại vật tư đầu vào cho nuôi thủy sản, đặc biệt là giá thức ăn, con giống nuôi thủy sản, giá năng lượng cho khai thác; điều chỉnh tỷ giá đồng USD linh hoạt phù hợp, có lợi hơn đối với xuất khẩu; giảm chi phí logistic trong nước.

Liên quan đến vấn đề môi trường, VASEP cho rằng, cần có quy chuẩn riêng và phù hợp với nuôi trồng, chế biến thủy sản.

Với vấn đề thiếu lao động, Hiệp hội kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương cho quỹ đất để doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân, gia tăng phúc lợi xã hội; Quy hoạch khu công nghiệp- đô thị cần xem xét đến vấn đề nhà ở công nhân và hạ tầng xã hội gắn liền với khu công nghiệp; Xem xét có khung pháp lý cho doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài (nhập khẩu) trong những điều kiện cần thiết;

Đồng thời, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn nhanh hơn vừa phục vụ cho nông nghiệp vừa giúp lao động nông thôn đến các nhà máy làm hàng ngày;

Theo VASEP, phần lớn doanh nghiệp nông -thủy sản còn ảnh hưởng cao của tính mùa vụ và người nông dân cũng bị ảnh hưởng bởi tính thời vụ nên Bộ Luật Lao động cần xem xét cho phép lao động các ngành này làm bán thời gian nhiều hơn để vừa giải quyết tốt lao động thời vụ của các doanh nghiệp, vừa giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nông dân.

Xuất khẩu thủy sản là một trong những ngành chủ lực của Việt Nam. Mặc dù năm 2022 là một năm có nhiều biến động và khó khăn đối với ngành xuất nhập khẩu thuỷ sản, nhưng xuất khẩu của ngành này đã có sự phục hồi và phát triển đáng kể, đạt kim ngạch 9,5 tỷ USD tính đến hết tháng 10/2022, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự kiến đến cuối tháng 11/2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD - mốc kỷ lục của ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới. Với kết quả đó, dự kiến năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ tiến gần với con số 11 tỷ USD (tăng 25% so với năm 2021).