Doanh nghiệp phương Tây bắt tay Nga, mặc Ukraine kiệt quệ khí đốt

ANTĐ - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Kiev có giọng điệu “tối hậu thư” trong đàm phán về khí đốt, chứng tỏ Ukraine có niềm tin đặc biệt về những “người bảo hộ”. Tuy nhiên, Kiev đã phải tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” trong lĩnh vực năng lượng vào ngày 16-6, 

Tại một cuộc họp báo ở Baku hôm thứ 19-5, Bộ trưởng nhận xét rằng các quan chức Ukraine tiến hành đàm phán về khí đốt với thái độ cư xử quyết liệt, thậm chí không thể hiện được bất kỳ “văn hóa đàm phán” nào, thể hiện họ tin tưởng vào sự hậu thuẫn của những người đỡ đầu,

“Đó là cách cư xử của những người tuyệt đối tin tưởng vào sự đặc biệt của chính mình hoặc tin vào sự đặc biệt của những người bảo hộ họ. Từ đó mà hình thành thái độ coi thường mọi sự”, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga nhận xét.

Ông nhấn mạnh, quan điểm thái quá, không nhân nhượng và ra tối hậu thư trong các cuộc đàm phán về khí đốt cùng ý đồ giải quyết cuộc xung đột ở phía đông nam Ukraine bằng con đường thiết quân luật và ra tối hậu thư đối với chính công dân của họ, là các mắt xích của cùng một chuỗi.

Chính vì vậy mà trong các cuộc đàm phán về giá và phương thức thanh toán khí đốt giữa Nga-Ukraine hồi đầu tuần này, công ty Nga “Gazprom” đã không đạt được tiến bộ gì trong các cuộc đàm phán với Kiev về vấn đề nợ đọng của Ukraine, nên đã chuyển sang cung cấp khí đốt cho nước này theo chế độ trả trước.

Ukraine đã tin tưởng tuyệt đối vào những lời hứa hẹn của chính quyền Mỹ và EU nên đã cương quyết không nhân nhượng, lãnh đạo các quốc gia phương Tây cũng mạnh miệng nói cứng về vấn đề không lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung khí đốt của Nga. Tuy nhiên, ngày 16-6, Kiev đã phải tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” trong lĩnh vực năng lượng.

Doanh nghiệp phương Tây bắt tay Nga, mặc Ukraine kiệt quệ khí đốt ảnh 1

Một tuyến đường ống khí đốt từ Nga sang Ukraine


Trái ngược với niềm tin của chính phủ Mỹ và Liên minh châu Âu, đại diện các nhà khổng lồ dầu mỏ Exxon Mobil và BP tại Hội nghị Dầu khí thế giới ở Moscow đã tuyên bố không mấy khả quan là Châu Âu có nguy cơ đối mặt với sự cung cấp khí đốt gián đoạn do cuộc khủng hoảng ở Ukraine, trong khi đó Nga là chìa khóa đảm bảo nhu cầu năng lượng của phương Tây.

"Thực tế không thể chối cãi là châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga, ngược lại Nga cũng phụ thuộc lớn vào doanh thu từ châu Âu. Điều đó tạo nên mối liên kết quan trọng và tôi tin rằng năng lượng có thể trở thành một cầu nối giữa hai bên” - Giám đốc điều hành BP Robert Dudle cho biết.

Giám đốc điều hành ExxonMobil Rex Tillerson đã gọi Nga là một trong những hướng phát triển hợp tác tiềm năng, còn BP tuyên bố tiếp tục hợp tác với nhà khổng lồ dầu mỏ Rosneft (Nga), bất chấp thực tế Chủ tịch Rosneft, ông Igor Sechin có tên trong danh sách những đối tượng bị Mỹ và phương Tây áp đặt biện pháp trừng phạt.

Bất chấp những căng thẳng chính trị nảy sinh trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, Rosneft vẫn ký kết được loạt hợp đồng với ExxonMobil (Mỹ), Statoil (Na Uy) và ENI (Ý). Hiện nay, một số công ty phương Tây đang xem xét lại nghĩa vụ của họ đối với Liên bang Nga, sau khi Washington và Brussels áp đặt các biện pháp trừng phạt chống điện Kremlin.