Doanh nghiệp mỹ phẩm kêu cứu vì hàng giả có thời điểm chiếm đến 75%

ANTD.VN - Theo đại diện của L'Oréal Việt Nam, nhiều thời điểm, hàng giả sản phẩm của doanh nghiệp này chiếm đến 75%, buộc doanh nghiệp phải “kêu cứu” các cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp mỹ phẩm kêu cứu vì hàng giả có thời điểm chiếm đến 75% ảnh 1

Mua hàng tại các địa chỉ uy tín để tránh hàng giả, hàng nhái

Hàng giả, hàng nhái núp bóng “hàng xách tay”

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh – Giám đốc đối ngoại và truyền thông L'Oréal Việt Nam cho biết: “L’Oreal bắt đầu việc chống hàng giả vào năm 2008 khi thị trường Hà Nội tràn ngập các cửa hàng mang bảng hiệu L’Oreal. Hàng giả chiếm lĩnh thị trường với thị phần lên đến 75% và trở thành nguồn cung cấp sản phẩm làm đẹp chủ lực cho người tiêu dùng. L’Oreal buộc phải gửi công văn “kêu cứu” đến các cơ quan”.

Đáng chú ý, sự phát triển mạnh của thương mại điện tử đang khiến hàng giả được biến tướng sang hàng xách tay, bày bán công khai trên các trang mạng. Việc chống hàng giả của doanh nghiệp và cơ quan quản lý thị trường trở nên khó khăn và vất vả hơn.

“Hiện tại, thị trường mỹ phẩm của L’Oreal tại Việt Nam gần như đang được thống trị bởi hàng xách tay và hàng giả đến hơn 60% (số liệu được dựa trên kênh phân phối trên cả 2 kênh online và offline). Nguồn mỹ phẩm nhập lậu (xách tay) và hàng giả nắm giữ thị trường đã và đang gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực như gây ra môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh, người tiêu dùng đang bị lừa dối và thất thu nguồn thuế lớn”- đại diện L’Oreal nói.

Đồng quan điểm này, đại diện một doanh nghiệp khác trong ngành hàng mỹ phẩm cho rằng, nhiều cửa hàng online đã trở thành nơi phân phối chính thức cho nguồn hàng nhập lập và hàng giả mà không cần xin giấy phép kinh doanh, hạn chế bị kiểm tra về quy định nhãn phụ, chất lượng sản phẩm…

Phía doanh nghiệp này kiến nghị, cần xử lý hiệu quả nguồn hàng xách tay và hàng nhập lậu, đặc biệt nguồn hàng từ các thị trường chủ lực như: Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức…

Khó ngăn chặn hàng giả bán online

Thừa nhận còn tình trạng hàng giả được rao bán nhiều qua mạng, ông Nguyễn Hữu Tuấn- Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số- Bộ Công Thương) cho biết, nhóm hàng bị làm giả nhiều nhất là: đồ công nghệ, điện tử; quần áo, giày dép, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; Thiết bị gia đình… Đây phần lớn là hàng hóa có giá trị cao, do nước ngoài sản xuất.

Theo ông Hoàng Ánh Dương- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương), việc chủ động phát hiện vi phạm về hàng hóa trên mạng gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng trong khi bản thân người mua hàng rất khó phát hiện.

Đại diện Tổng cục QLTT cho rằng, để hạn chế hàng giả, hàng nhái trên mạng, người tiêu dùng cần tham gia mua sắm qua ứng dụng thương mại điện tử tại các trang, ứng dụng, sàn thương mại điện tử uy tín, đã được thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

“Sắp tới, Tổng cục QLTT sẽ triển khai các công cụ trực tuyến kết nối giữa cơ quan QLTT, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm hỗ trợ hiệu quả và thuận tiện cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn tiêu dùng cũng như chia sẻ thông tin, tố giác vi phạm“- ông Hoàng Ánh Dương nói.