Doanh nghiệp lo lắng xuất nhập khẩu sụt giảm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều nhận định, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối quý IV-2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn so với kết quả quý III-2022.
Xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản tăng trưởng mạnh

Xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản tăng trưởng mạnh

Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) với doanh nghiệp tư nhân thuộc các ngành hàng cho thấy, đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng...

Nguyên nhân của sự sụt giảm đơn hàng chủ yếu đến từ hai yếu tố là chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư (đặc biệt là đầu tư lĩnh vực bất động sản trên toàn cầu) giảm mạnh;

Và xu hướng ngày càng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt từ phía Mỹ, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, giá trị xuất khẩu trong tháng 9-2022 của các mặt hàng giảm mạnh so với cùng kỳ bao gồm: Điện thoại và linh kiện (-12,3%), sắt thép (-69,3%), Clinker và xi măng (-54,9%), Nguyên liệu nhựa (-37,7%), xăng (-36,7%), và dầu thô (-11,6%).

Do đó, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào cho sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế.

Cụ thể, tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Chỉ số giá nhập khẩu cũng tăng rất cao 10,68% so với 9 tháng 2022, là mức tăng cao nhất kể từ 2012.

Sức ép này đến do giá dầu thế giới có thể sẽ bị đẩy lên mức cao, tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội và TP HCM vẫn chưa được tháo gỡ, khiến chi phí vận chuyển tăng mạnh; Tỷ giá USD/VND tăng mạnh, trong bối cảnh trên 90% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, làm tăng chi phí đầu vào, đồng thời kéo theo sức ép lên mặt bằng giá sản xuất trong nước;

Lãi suất tăng nhanh làm chi phí vốn sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam tăng cao; Rủi ro đứt gãy, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn hiện hữu khi Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid”.

Phân tích về tình hình xuất, nhập khẩu năm 2022, đại diện Tổng cục Thống kê cho hay, xuất khẩu tăng trưởng cao, xuất siêu ấn tượng nhưng chưa thật sự bền vững do còn thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và cơ cấu chủ thể xuất khẩu. Chẳng hạn như xuất khẩu rau quả, dù xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, EU… tăng mạnh, nhưng do thị trường Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu đã kéo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả đi xuống.

Để khắc phục phần nào các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt để giảm sự bị động về tín hiệu thị trường, Ban IV đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ chuyên ngành cung cấp thường kỳ các thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có các kế hoạch thích ứng phù hợp.

Đặc biệt, cần khẩn trương tiến hành các cuộc bàn tròn công - tư nhằm phân tích các giải pháp tối ưu thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế hoặc bổ sung trong bối cảnh một số thị trường truyền thống của cả nhập khẩu, xuất khẩu đều gặp rất nhiều khó khăn.

“Trong quá trình này, còn cần chú trọng phân tích các xu hướng và yêu cầu mới sẽ phát sinh ở các thị trường, đặc biệt xu hướng thiết lập các hàng rào kĩ thuật gắn với mục tiêu xanh hóa, giảm phát thải do các liên minh xanh đang thúc đẩy trên phạm vi toàn thế giới”- bản kiến nghị nêu.

Tổng cục Thống kê cũng khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu.

"Với tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu như hiện nay, việc tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức 700 tỷ USD vào cuối năm 2022 là hoàn toàn khả thi. Đây sẽ là một kỷ lục mới, một dấu mốc mới trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam"- Tổng cục Thống kê cho biết.