Doanh nghiệp đầu tư khoảng 9 tỷ USD vào tăng trưởng xanh tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tăng trưởng xanh là một mục tiêu khó. Đến nay, các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước mới đầu tư khoảng 9 tỷ USD vào tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh

Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh

Chia sẻ tại tọa đàm: "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam", ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho rằng, đóng góp của doanh nghiệp FDI với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.

Riêng với tăng trưởng xanh, đến nay, khu vực doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như là năng lượng tái tạo, hay là đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh.

Con số này chiếm khoảng 2% GDP và bình quân tăng trưởng trong suốt 2 năm vừa qua, đạt mức độ tăng trưởng khá cao, tức là 10-13%.

“Đây là một trong những tín hiệu rất tốt. Cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đã giúp tạo nên sự thay đổi hành vi trong việc sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu về tăng trưởng xanh.

Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện; nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng xanh là mục tiêu khó. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nước ta chưa nhiều”- ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn- Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chúng ta còn khoảng cách rất xa giữa quyết tâm và thực hiện. Hiện nay, Nhà nước đã đặt ra quyết tâm về tăng trưởng xanh thế nhưng các bước thực hiện chưa cụ thể để đạt được những mục tiêu ngắn hạn, chưa nói đến mục tiêu dài hạn.

“Chúng ta đã cam kết trong COP26 là năm 2050 Việt Nam phát thải bằng 0. Thế thì lộ trình dài hạn đến năm 2050, trung hạn là đến năm bao nhiêu, ngắn hạn từng năm là như thế nào? Theo tôi, chúng ta phải xây dựng lộ trình cụ thể và chúng ta đạt được lộ trình đó thì mới có thể giải quyết được. Rất mừng trong thời gian vừa rồi, các nhà đầu tư nước ngoài đã đóng góp rất nhiều trong phát triển Việt Nam, trong đó có những hình mẫu phát triển xanh”- ông Nguyễn Văn Toàn cho hay.

Cụ thể theo ông Nguyễn Văn Toàn, nếu tổng kết trước năm 2021 (lũy kế) thì theo báo cáo về các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, 5% là đầu tư vào công nghệ cao, 15% là công nghệ lạc hậu, 8% là công nghệ trung bình. Đây là con số đáng báo động. Đấy là chỉ số lũy tiến từ thời chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá và thậm chí chưa quan tâm nhiều đến môi trường; thu hút nước ngoài chỉ cần vốn, giải quyết lao động, chỉ cần có xuất khẩu…

“Dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có số liệu cụ thể nhưng tôi tin rằng trong 3-4 năm gần đây, chỉ số đó thay đổi rất nhiều”- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chia sẻ.

Ông Chris Hogg - Phó Chủ tịch, Giám đốc Bền vững và Truyền thông khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé cho hay, doanh nghiệp này cũng muốn trở thành một doanh nghiệp đạt phát thải bằng 0, nhưng cần có lộ trình thực hiện cụ thể.

“Năm 2050 có thể là một khoảng thời gian xa nhưng trong thời gian từ nay đến đó, chúng ta cũng cần những lộ trình, cột mốc. Chẳng hạn năm 2025 thì sẽ có phát thải ròng giảm 20%, đến 2030 giảm 50% và bằng 0 vào năm 2050”- ông Chris Hogg nói.