Doanh nghiệp bất động sản muốn được “nới room” tín dụng, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước giữ room tín dụng 14%, sẽ tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng bất động sản, song vẫn đảm bảo khách hàng có nhu cầu thực có thể tiếp cận vốn ngân hàng.

Rủi ro lạm phát nếu tín dụng tăng cao

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị NHNN xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 thêm 1-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, trong đó xem xét “nới room” cho 4 ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel 2.

Tuy nhiên, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo mục tiêu định hướng 14% và kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, song vẫn đảm bảo khách hàng có nhu cầu thực có thể tiếp cận vốn ngân hàng.

Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) trong 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng 9,35%, cao hơn cùng kỳ năm 2020-2021 và là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, qua đó đã góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Năm 2022, áp lực lạm phát trong nước tăng cao, tạo thách thức đối với điều hành chính sách tiền tệ để một mặt hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng mặt khác phải kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) và giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Ngoài ra, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam, theo IMF và WB, thuộc hàng cao nhất thế giới so với các nước có điều kiện phát triển tương đồng (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%) là mức mà các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm cảnh báo Việt Nam về rủi ro tài chính – ngân hàng.

Ông Phạm Chí Quang

Ông Phạm Chí Quang

Do đó, trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo mục tiêu định hướng 14% đã đề ra và căn cứ diễn biến, tình hình thực tế để có giải pháp điều hành phù hợp nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Đồng thời, chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng bất động sản

Đối với tín dụng bất động sản, ông Phạm Chí Quang cho biết, dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản rất đa dạng, bao gồm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động từ thị trường quốc tế thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc vay các tổ chức nước ngoài, huy động từ thị trường chứng khoán, từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân và vay từ TCTD.

“Như vậy, nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng chỉ là một trong số các nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản” – ông Quang nói.

Đến tháng 5/2022, tín dụng bất động sản tăng 12,31% so với cuối năm 2021, trong đó tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng, chiếm tỷ trọng 66,3%.

Theo quy định pháp luật hiện hành, hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận, căn cứ khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của khách hàng và khẩu vị rủi ro của TCTD.

Đối với khách hàng có dự án/phương án kinh doanh khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ, khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở đáp ứng điều kiện vay vốn, TCTD được toàn quyền chủ động xem xét cho vay phù hợp tình hình hoạt động và khẩu vị rủi ro của TCTD, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật liên quan.

“Như vậy, các chính sách, giải pháp được NHNN triển khai nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản nhưng vẫn đảm bảo khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở, khách hàng có phương án vay vốn hiệu quả, khả thi vẫn được thuận lợi tiếp cận vay vốn ngân hàng” – ông Quang cho biết.

Ngoài ra, đại diện NHNN cũng cho rằng nhu cầu tín dụng bất động sản thường có thời hạn trung dài hạn, trong khi nguồn huy động chủ yếu là ngắn hạn, nên TCTD phải đối mặt với rủi ro thanh khoản và rủi ro kỳ hạn.

Do đó, trong điều hành, bên cạnh việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, NHNN triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản; khuyến khích TCTD tập trung nguồn vốn tín dụng cho phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Đồng thời chỉ đạo TCTD thường xuyên kiểm soát việc cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản và sử dụng vốn vay đúng mục đích; rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD; xây dựng lộ trình điều chỉnh giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động cấp tín dụng, nhất là tín dụng bất động sản.