- Sau “cơn địa chấn” ở FIFA, nhà tài trợ mất hàng tỷ usd
- Ai sẽ thay thế Sepp Blatter?
- FIFA thời hậu Sepp Blatter: Cải tổ như thế nào?
Truyền thông Mỹ đưa tin Chủ tịch Sepp Blatter chính là “mục tiêu” của cuộc điều tra tham nhũng mà FBI tiến hành nhằm vào FIFA. Hãng tin ABC News dẫn các nguồn giấu tên từ FBI và cơ quan công tố Mỹ cho biết cuộc điều tra nhằm vào người đứng đầu FIFA là một phần trong cuộc điều tra về những vấn đề ở cơ quan bóng đá này thời gian qua, vốn bao gồm cả cuộc bắt giữ hàng chục quan chức cấp cao khác của FIFA hồi tuần trước. Một nguồn tin khẳng định: “Chúng tôi có thể không đánh đổ được cả một tổ chức quy mô như thế song chúng tôi có thể lựa chọn những nhân vật chủ chốt liên quan đến cuộc điều tra”.
Ông Sepp Blatter rời cuộc họp báo sau khi thông báo quyết định từ chức
Thứ 6 tuần trước, Chủ tịch Blatter, người đã tại vị suốt 17 năm qua, tuyên bố ông sẽ không từ chức, bất chấp vụ bê bối mới bị phanh phui. Ông khẳng định tương lai của mình sẽ chỉ do một hội đồng của FIFA quyết định, đồng thời cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ những cải cách cho cơ quan này trong thời gian tới. Cùng với thời điểm cuộc họp báo của ông Blatter sau khi đắc cử, Bộ Tư pháp Mỹ cũng ra thông báo khẳng định các cơ quan chức năng của nước này đã có bằng chứng cho thấy 14 quan chức cấp cao của FIFA và các công ty quảng cáo đã “ăn bẩn” 150 triệu USD.
Tín nhiệm sụt giảm
Tuần trước, Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh (FA), ông David Gill đã khẳng định sẽ không tham gia tranh cử một vị trí trong Ủy ban điều hành của FIFA vì không muốn làm việc trong một môi trường thiếu lành mạnh. Cựu Giám đốc điều hành của đội bóng Manchester United cho rằng: “Những sự kiện phá hoại hình ảnh FIFA” thời gian qua đã khiến ông đưa ra quyết định ở lại tiếp tục cương vị ở FA. Lâu nay, người Anh thường hy vọng có một quan chức của nước này trong Ủy ban Điều hành của FIFA để giúp xứ sở xương mù có thêm tiếng nói trong nhiều vấn đề từ các lần xin đăng cai World Cup hay bản quyền truyền hình.
Tuy nhiên, ông David Gill đã quyết định không tham gia FIFA để giữ hình ảnh khi khẳng định: “Quyết định của tôi được đưa ra khá nhanh chóng. Những sự kiện phá hoại hình ảnh của FIFA thời gian qua đã cho tôi thấy việc không nên trở thành thành viên Ủy ban Điều hành của FIFA dưới sự lãnh đạo của ông Blatter. Tôi công nhận việc ông Blatter tái đắc cử qua một cuộc bầu cử dân chủ và hy vọng FIFA thành công trong việc giải quyết các vấn đề hiện nay. Tuy nhiên, với tôi, danh tiếng luôn là điều quan trọng và tôi đơn giản thấy rằng không nên đánh đổi tất cả để làm việc dưới quyền một người như Blatter”.
Trong khi đó, quyết định từ chức của ông Blatter cũng nhận được sự hoan nghênh của các đối tác quảng cáo chính của FIFA. Với họ, quyết định này như là biện pháp giúp giảm bớt tác động từ các vụ bắt giữ hồi tuần trước tới hình ảnh của họ. Hãng VISA, một trong những đơn vị đe dọa sẽ chấm dứt các hợp đồng quảng cáo với FIFA, hoan nghênh quyết định của ông Blatter khi đánh giá “đây là bước tiến đầu tiên đầy quan trọng, qua đó giúp tiến hành cải tổ triệt để cơ quan này”. Tuy nhiên, Visa cũng cảnh báo rằng sự kỳ vọng của dư luận đối với FIFA sau khi ông Blatter ra đi sẽ nhiều hơn.
Do đó, cơ quan bóng đá này cần phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp nhằm khôi phục lại danh tiếng và hình ảnh. Còn hãng nước giải khát Coca-Cola, một trong những đối tác của FIFA nhiều năm qua, cho rằng: “Quyết định từ chức của ông Blatter sẽ giúp thúc đẩy quá trình cải tổ FIFA nhanh hơn. Chúng tôi cho rằng FIFA cần có những hành động cụ thể để giải quyết tất cả những vấn đề đã được nêu ra trong thời gian qua”.
Theo giới quan sát, tín nhiệm của ông Blatter đã sụt giảm nhanh chóng sau khi các quan chức cấp cao bị bắt. Kể cả khi đã tái đắc cử vị trí Chủ tịch FIFA, ông vẫn không thể giải quyết được sức ép khổng lồ từ nhiều phía dồn vào vị trí của mình. Do vậy, quyết định “ra đi” đã được đưa ra.
FIFA - “Gia đình mafia”?
Cựu Chủ tịch LĐBĐ Anh, Lord Triesman từng cáo buộc FIFA hành xử không khác “một gia đình mafia”. Trong bài phát buổi trước Quốc hội Anh hồi tháng 6 năm ngoái, Lord Triesman từng cáo buộc FIFA “đã tham nhũng, nhận hối lộ và lạm quyền trong nhiều thập niên qua”. Ông cho rằng ngay cả nhân vật Don Corleone trong tác phẩm Bố Già cũng sẽ phải khâm phục cách mà ông Sepp Blatter điều hành “đường dây mafia” mang tên FIFA. “FIFA, tôi phải thừa nhận rằng họ chẳng khác gì một gia đình mafia. Hơn một nửa thành viên của Ủy ban Điều hành FIFA đã bầu chọn để Nam Phi tổ chức World Cup nên từ chức.
Tham nhũng có hệ thống, các cuộc điều tra chỉ bằng những tuyên bố, đã làm cho FIFA trở nên trì trệ trong suốt những năm qua. Tôi cho rằng Don Corleone cũng phải khâm phục những chiến thuật được thực hiện ở FIFA và hâm mộ cách điều hành của ông Blatter”, Lord Triesman nhận xét.
Liệu “bức màn bí mật” tại FIFA có được vén lên toàn bộ sau cuộc điều tra của FBI? Câu trả lời được đưa ra vào lúc này là “có”. Giới chức Bộ Tư pháp Mỹ đã nhiều lần khẳng định rằng cuộc vây bắt các quan chức FIFA hồi tuần trước “chỉ là sự khởi đầu”, trong khi đó một quan chức giấu tên cấp cao của FBI khẳng định quá trình điều tra và xử lý vụ việc sẽ được cơ quan thực thi pháp luật này tiến hành với quy mô như khi triệt phá một đường dây mafia.
Tờ Bloomberg của Mỹ cho rằng FBI từ lâu đã theo dõi hoạt động của một Ngân hàng có tên Delta National Bank & Trust Co, đơn vị chuyên gây “quỹ đen” cho các hoạt động phi pháp của giới chức bóng đá Brazil. Theo báo cáo, chủ ngân hàng này là một doanh nhân người Brazil có tên là Aloysio De Andrade Faria. Dù năm 2003, FBI đã có được bằng chứng cho thấy ngân hàng này có dấu hiệu rửa tiền cho các hoạt động liên quan đến bóng đá nhưng giới chức Brazil đã ngăn không cho Mỹ bắt giữ vị Chủ tịch ngân hàng mà chỉ yêu cầu đóng tiền phạt. Một số nguồn tin cho rằng chính Ricardo Teixeira, người khi đó đang là Chủ tịch LĐBĐ Brazil, đã giúp Aloysio De Andrade Faria thoát nạn.
Từ manh mối nêu trên, FBI đã lần ra được một nhân chứng quan trọng, giúp dẫn tới vụ bắt giữ hàng chục quan chức FIFA hồi tuần trước. Đó là Chuck Blazer, một Ủy viên của Ban chấp hành FIFA trong giai đoạn 1996-2003. Năm 2011, FBI và Bộ Tư pháp Mỹ đã tiếp cận Blazer bằng các biện pháp nghiệp vụ yêu cầu ông này hợp tác nếu không muốn đối mặt với bản án tù với tội danh trốn thuế. Được sự “chỉ điểm” của Blazer, FBI đã tiến hành nhiều chiến dịch bí mật nhằm vào các quan chức FIFA, bao gồm cả việc yêu cầu ông này đeo máy thu âm để ghi lại các cuộc thảo luận kín giữa các thành viên cấp cao của FIFA, trong đó có cả vị Chủ tịch Sepp Blatter. Ngoài ra, Blazer cũng thừa nhận đã cung cấp các bằng chứng cho FBI về việc Nam Phi đã hối lộ cho ông này 10 triệu USD để bầu cho quốc gia này trong quá trình giành quyền đăng cai World Cup 2010. Tất nhiên, phi vụ này được thực hiện qua ngân hàng Delta nêu trên.
Khi các tay chân đã bị bắt giữ, các đối tác đe dọa cắt đứt quảng cáo, trong khi FBI tuyên bố điều tra tới cùng còn Interpol phát lệnh truy nã toàn thế giới, có lẽ ông Sepp Blatter đã hiểu được rằng thời của ông cũng đã đến lúc “tàn”. Chưa kể, đến cả những “đồng minh” của vị Chủ tịch này là Nga và Qatar cũng nhanh chóng đưa ra những tuyên bố không dính dáng đến các hoạt động bất chính của FIFA, một biện pháp nhằm giữ hình ảnh cũng như giảm bớt khả năng bị tước quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022. Chính vì vậy, Blatter đã không còn lựa chọn nào khác. Một “đế chế” ở bộ máy cao nhất của bóng đá thế giới đã tàn.