Dở khóc dở cười với máy quay

ANTĐ - Những chiếc máy quay đặt tại các sân để ghi hình trận đấu được dân bóng đá gọi vui là “tai mắt” của BTC giải, giúp cho việc nhận định và xử lý chính xác các sự cố. Nhưng cũng từ đây nảy sinh nhiều chuyện dở khóc, dở cười.

Dở khóc dở cười với máy quay ảnh 1Trưởng mùa giải 2013 Trần Duy Ly bị kỷ luật vì “lỗi nhận định” cũng bởi những băng hình thiếu thông tin do các BTC sân gửi lên. Ảnh: BẢO LÂM

“Mổ” băng bóng đá lại phát hình… đám cưới

Trò chuyện với ông Nguyễn Hải Hường về những kỷ niệm khó quên trong suốt gần 10 năm nắm quyền Trưởng ban Kỷ luật VFF, ông Hường tủm tỉm khi nhắc lại những cuộc “mổ” băng: “Trong lúc các thành viên Ban Kỷ luật đang tập trung theo dõi tình huống từ băng ghi hình do BTC giải cung cấp thì bất ngờ thấy phát hình… đám cưới, sinh nhật. Hỏi mấy anh kỹ thuật mới biết, nhiều sân sử dụng máy quay cũ, quay và ghi đè băng quá nhiều lần, hình mới đè không hết hình cũ nên mới xảy ra chuyện cười ra nước mắt như thế”. Theo ông Hường, cũng vì những “hình ảnh chen ngang” mà nhiều tình huống, sự cố rất khó xử lý vì công việc của những người làm luật như ông trọng chứng hơn trọng cung mà băng hình lại là chứng cứ rất quan trọng.

Một chuyện dở khóc dở cười khác liên quan đến băng ghi hình kỹ thuật đã dẫn đến việc Trưởng giải mùa 2013 Trần Duy Ly bị kỷ luật. Chuyện bắt đầu từ bàn thắng gây tranh cãi ở phút 84 trận Thanh Hóa – XMXT Sài Gòn vòng 17, V-League 2013, phía Thanh Hóa cho rằng trước khi ghi bàn cầu thủ XMXT Sài Gòn đã để bóng ra hết đường biên ngang. Động thái quyết liệt từ “bầu” Đệ sau đó buộc BTC giải phải “mổ” băng và mời cả chuyên gia, báo chí cùng xem lại tình huống. Tuy nhiên, sau nhiều giờ xem đi xem lại và tranh luận, vẫn không có ai dám khẳng định bóng đã ra đường biên ngang hay chưa vì tư liệu băng hình hạn chế. Nhưng sau cuộc mổ băng, Trưởng giải Trần Duy Ly kết luận bóng vẫn trong sân, dù trước đó chính ông khẳng định bóng đã ra ngoài sân. Hệ quả là ông Ly bị VFF kỷ luật vì “lỗi nhận định” mà ai cũng hiểu một phần do băng ghi hình BTC giải nhận được quá kém nên không thể xem rõ tình huống. 

“Sắm trâu tiếc sợi dây thừng…”

Một trong những yêu cầu đặt ra cho các BTC sân là phải bố trí máy quay kỹ thuật ghi hình trận đấu, sau đó gửi băng về cho BTC giải để lưu trữ và hỗ trợ việc xem xét, xử lý các sự cố. Tổng giám đốc CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh cho biết: “Nhiều năm qua chúng tôi đã ký hợp đồng với Trung tâm dịch vụ tổ chức thể thao tỉnh Nghệ An. Đơn vị này có nhiệm vụ bố trí đủ số máy quay và ghi hình đủ thời lượng theo yêu cầu của BTC giải”. Ông Thanh cho hay hợp đồng này tốn một khoản tiền nhất định của CLB nhưng là yếu tố bắt buộc và các CLB nên chấp hành nghiêm túc trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp. “Nhiều tình huống, băng hình đã giúp đội chủ nhà đòi lại công bằng”, ông Thanh nói.

Tuy nhiên không phải đội bóng nào cũng ý thức được như đội bóng xứ Nghệ, Trưởng ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường thừa nhận: “Mùa giải nào tôi cũng phải ký quyết định phạt tiền các đội bóng vì vi phạm băng hình kỹ thuật trận đấu. Nhận phạt nhiều nhất là CLB Than Quảng Ninh”. Ông Hường tỏ ý không đồng tình khi nhiều CLB hàng năm bỏ cả trăm tỷ đồng nuôi đội bóng nhưng lại không đầu tư vào việc ghi hình kỹ thuật trận đấu cho ra hồn. “Quy chế bóng đá chuyên nghiệp yêu cầu BTC sân phải đặt đủ máy (trước là 4, nay tăng lên 6-PV) nhưng có sân chỉ đặt 2-3 máy; yêu cầu quay đủ 90 phút thì chỉ được 2/3 thời lượng, chưa kể chất lượng hình rất kém. Và việc xem nhẹ công tác ghi hình kỹ thuật của nhiều sân đã kéo dài suốt 15 năm giải đấu khoác áo chuyên nghiệp”, người có thâm niên 10 năm “mổ” băng ở V-League phàn nàn.