Vấn đề lên chuyên nghiệp của các CLB ở V-League
“Đỏ”, chắc gì đã chín
(ANTĐ) - Hết tháng 8 này, các CLB ở V-League sẽ được phê chuẩn con dấu đỏ chót “chuyên nghiệp” (hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần hóa) theo đúng quy định của AFC, để có thể tham dự mùa giải năm sau. Nhưng nhiều người đặt câu hỏi, rằng liệu có bao nhiêu trong số 14 đội bóng ấy thật sự mang tư duy làm bóng đá chuyên nghiệp?
Đồng Tháp (phải) sắp lên chuyên nhưng vẫn chưa quen sống với việc xa “bầu sữa mẹ” là ngân sách của tỉnh |
Có một câu hỏi đã tồn tại ở bóng đá Việt Nam hơn 1 thập kỷ nay, nhưng lại luôn mang tính thời sự, ấy là “Bao giờ mới chuyên nghiệp?”. Thật vậy, dẫu cho nền bóng đá còn non trẻ của chúng ta đã lên chuyên được tròn 10 năm, nhưng mọi thứ vẫn đang như một công trường ngổn ngang, và hai chữ “chuyên nghiệp” vẫn là 2 tiếng… xa vời. Hiện tại, 11/14 CLB chơi ở V-League 2010 đã chuyển đổi mô hình doanh nghiệp làm bóng đá.
Còn lại Nam Định, Đồng Tháp và Thanh Hóa. Trong khi Nam Định đã phải xuống hạng Nhất mùa sau và chẳng còn màng gì đến hai chữ chuyên nghiệp nữa, thì Đồng Tháp và Thanh Hóa đang chạy đôn chạy đáo để lo nốt những thủ tục cuối cùng để đáp ứng yêu cầu của AFC. Bản thân câu chuyện của Nam Định cũng như Đồng Tháp và Thanh Hóa đã nói lên thực trạng của không ít các CLB Việt Nam bây giờ: Chuyên nghiệp kiểu... đối phó.
Giả dụ Nam Định trụ hạng năm nay, có lẽ họ cũng đang “chạy” chẳng kém gì Đồng Tháp hay đội bóng xứ Thanh, chứ chẳng đến nỗi buông xuôi như hiện tại. Không phải thế sao, khi một đội bóng như Đồng Tháp ở thời điểm này vẫn sống trông vào nguồn ngân sách của tỉnh (bên cạnh tiền tài trợ của Tập đoàn Cao su Đồng Tháp), thay vì 100% vốn doanh nghiệp như quy định.
Thậm chí, sân Cao Lãnh hiện tại cũng chưa có nổi dàn đèn chiếu sáng, chứ đừng nói đến chuyện bảng điện tử trên sân, các vấn đề khai thác hình ảnh CLB, cầu thủ, kinh doanh đồ lưu niệm CLB... những thứ vốn gắn liền với bóng đá chuyên nghiệp. Trong câu chuyện lên chuyên của bóng đá Việt Nam, Đồng Tháp chỉ là 1 ví dụ nhỏ bởi không ít CLB đã mang cái “mác” chuyên nghiệp từ gần thập kỷ nay, vẫn tồn tại theo dạng “bao cấp” từ ngân sách địa phương, và tất nhiên là thiếu rất nhiều thứ để có thể trở thành một hình mẫu thực sự theo đúng yêu cầu của AFC.
Lật lại vấn đề, đếm trên đầu ngón tay, cũng chỉ có vài đội bóng là đang dẫn đầu trong lộ trình ấy, như HAGL hay ĐT.LA. Đây là những CLB được định hướng theo mô hình doanh nghiệp làm bóng đá từ rất lâu, và cũng tiệm cận được sự chuyên nghiệp. Nhưng công bằng mà nói thì chưa ai trong số họ thật sự sống khỏe bằng nguồn tài chính từ các hoạt động trực tiếp liên quan tới bóng đá. Nhưng đó là một câu chuyện mà chúng ta phải chấp nhận bởi suy cho cùng thì cái gì cũng phải có quá trình riêng của nó.
Theo AFC, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 3 năm nữa để xây dựng hệ thống các tiêu chí sao cho phù hợp và chuyển đổi hoàn toàn, đúng nghĩa là một doanh nghiệp bóng đá. Ba năm, so với 10 năm mà bóng đá Việt Nam đã trải qua, chẳng thấm thía gì. Nhưng điều quan trọng nhất, liệu đó có thật sự là một quá trình đủ để giúp các CLB Việt Nam phát triển theo hướng bền vững và chuyên nghiệp thực sự, hay cũng chỉ như một cách tự huyễn hoặc mình của những người đang nắm trong tay vận mệnh của bóng đá nước nhà? Nếu chúng ta vẫn cố tình đeo chiếc mặt nạ “chuyên nghiệp”, mà bên trong nó vẫn là những bộ não mang tư duy “bao cấp” và nghiệp dư, thì e rằng, 3 năm hay 30 năm nữa, bóng đá Việt Nam vẫn chỉ luẩn quẩn quanh câu chuyện “đỏ vỏ, xanh lòng”, không hơn.
Phi Điệp