Đình Khải - người vẽ lại trận đấu

ANTĐ - Đón tôi tại căn phòng làm việc trên đường Hoàng Hoa Thám, bình luận viên (BLV) Đình Khải nở nụ cười hiền rồi rủ tôi tới một quán nước gần đó trò chuyện. Ông tâm sự: “Mình già rồi, nhưng chừng nào còn đi được, nói được thì vẫn cháy hết mình với tình yêu trái bóng tròn”. World Cup này, BLV lão làng lại tất tả với những lời mời cộng tác.

Với những khán thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam và người hâm mộ thể thao cả nước, giọng nói khỏe khoắn, cách bình luận hóm hỉnh, gần gũi của BLV Đình Khải đã quá đỗi thân thuộc, từ những giải quốc tế lớn như World Cup, EURO đến   V-League, hạng Nhất và cả những giải phong trào. Vào nghề từ những năm 1970, ông thuộc thế hệ những người bình luận bóng đá đầu tiên của Việt Nam. Cho đến tận bây giờ, ở tuổi 72, BLV Đình Khải vẫn giữ trong mình ngọn lửa nghề rực cháy. 

Vượt qua “cái bóng” của đàn em

Sau 18 tháng theo học và lấy bằng Trung cấp hóa chất, Đình Khải về Viện Hóa học Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công thương), vừa làm vừa theo học hàm thụ khoa Hóa trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó được một người bạn giới thiệu sang Đài Tiếng nói Việt Nam và được phân vào làm việc tại Ban miền Nam chuyên theo dõi và phản ánh phong trào đấu tranh của công nhân lao động miền Nam. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, Ban miền Nam giải tán, Đình Khải theo học tại Khoa Báo chí trường Tuyên huấn Trung ương (Học viện Báo chí và Tuyên truyền bây giờ). Tốt nghiệp, Đình Khải về làm việc tại Ban Văn hóa – xã hội (quản lý mục bình luận thể thao) với khát khao được sống trong bầu không khí bóng đá như mơ ước từ thuở nhỏ. 

Cùng lứa BLV thời đó với Đình Khải còn có Lê Hoài Sơn. BLV Hoài Sơn sớm nổi nhờ được “người nhà” là ông Nguyễn Văn Thu  dìu dắt và trở thành BLV thể thao số 1 của Việt Nam thời đó. Thời gian đầu chập chững vào nghề, BLV Đình Khải không được nhiều người biết đến như Hoài Sơn. Nhưng rồi cơ hội đến và ông đã không bỏ lỡ: “Năm 1979, trong một trận đấu trên sân Hàng Đẫy, Hoài Sơn đi công tác miền Nam nên mình đề nghị đảm nhiệm bình luận cả 90 phút. Ở trận đấu đầu tiên “độc diễn” đó, từ bà trưởng phòng đến vợ con mình ở nhà đều mở radio hết cỡ, hồi hộp xem liệu Đình Khải có mắc lỗi không. Và sau khi kết thúc trận đấu suôn sẻ, mình và mọi người mới thở phào. Sau lần tạo ấn tượng đó, mình được giao nhiệm vụ bình luận chính”. Cứ thế theo thời gian, thương hiệu BLV Đình Khải dần được khẳng định, chiếm trọn tình cảm người hâm mộ. 

Đừng gọi tôi là huyền thoại!

Trong suốt chặng đường 40 năm làm nghề, BLV Đình Khải có không ít kỷ niệm. Từ trận chung kết giải U15 trên sân Thái Nguyên vỡ sân do khán giả tràn xuống bị hoãn gần 1 tiếng đồng hồ khiến ông bất đắc dĩ phải trổ tài “chữa cháy” không để “sóng chết”, đến những lá thư dài 5 trang A4 của một chiến sỹ Trường Sa gửi về, trong đó ghi lại những lời tường thuật của ông để chứng minh rằng anh em chiến sỹ Trường Sa rất say bóng đá và rất yêu thích cách bình luận sôi nổi, hóm hỉnh của ông. Nhưng kỷ niệm khiến ông xúc động nhất đến từ một khán thính giả - nghệ sỹ ghita khiếm thị Văn Vượng. “Năm 2002, lần đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam bình luận trực tiếp các trận World Cup, Văn Vượng nhờ bạn chở đến nơi làm việc gặp tôi, tặng túi vải thiều cho các BLV “để các anh ăn cho ngọt giọng còn tường thuật cho những người khiếm thị chúng tôi nghe”. World Cup 2010, Văn Vượng nhắn tin cho tôi với nội dung: “Nghệ sỹ Văn Vượng cảm ơn nghệ sỹ Đình Khải đã vẽ lại trận đấu cho những người khiếm thị chúng tôi xem”. Tình cảm chất phác, chân thành đó của khán thính giả khiến tôi cảm động, hạnh phúc và tự hào lắm”, BLV Đình Khải bồi hồi nhớ lại. 

Nhiều người yêu mến, nể phục tài bình luận của Đình Khải mà đặt cho ông những danh xưng như “BLV huyền thoại”, “BLV số 1 Việt Nam”, nhưng với ông: “Trong một cuộc thi hoa hậu, người đoạt giải nhất chỉ là người đẹp nhất trong số những người đi thi chứ không phải người đẹp nhất nước. Một người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt nào đó nếu được cầm micro có khi còn bình luận giỏi hơn tôi ấy chứ...”.  

Sống với quan điểm “VLC”

Nhiều người gặp BLV Đình Khải đều chung một câu hỏi: Tại sao ông có thể bình luận sôi nổi, hào hứng trong suốt một tháng World Cup, hay EURO với các trận đấu diễn ra vào đêm khuya như thế? - “Bí quyết của mình chỉ là tranh thủ chợp mắt bất cứ lúc nào có thể, dù chỉ 5-7 phút và ăn uống đủ chất. Quan trọng hơn là niềm đam mê. Mình luôn rất hứng thú với công việc đang làm, ở mọi giải đấu và phải ý thức trách nhiệm truyền cảm hứng đó tới người nghe. Phải có cái tâm, cái nhiệt tình mới làm được”, BLV số 1 Việt Nam đáp.

Chia sẻ về quan điểm sống, BLV Đình Khải dí dỏm: “Mình tôn thờ phương châm sống “VLC”: Ở nhà Vợ-Là-Chính, đến cơ quan Việc-Là-Chính, ngoài ra Vui-Là-Chính”. Những ai đã tiếp xúc với ông đều chung cảm nhận về một người nhiệt huyết trong công việc, song cũng rất trẻ trung, gần gũi ngoài đời thường. Và nếu tìm hiểu thêm, hẳn sẽ rất cảm phục mối tình của ông với người bạn đời (là một giáo viên) chơi thân từ hồi lớp 1 và đã “góp gạo thổi cơm chung” từ gần nửa thế kỷ qua. Ông khoe: “Cưới nhau gần 50 năm rồi, sáng nào tôi và bà ấy cũng đi bộ tập thể dục với nhau”. Giữa cuộc trò chuyện với tôi, ông nhận được điện thoại của bà nhà hỏi có kịp về ăn cơm không, rồi nhắn: “Hôm nay có món ông thích đấy!”. Ông ngọt ngào đáp: “Tiếc quá, anh bận việc chưa về được. Em cứ ăn trước nhé. Tối anh lại về ăn cơm với mình”. Cứ thế, BLV Đình Khải không chỉ trẻ mãi trong tâm trí khán thính giả Việt Nam mà còn trẻ trung trong mắt những người từng có duyên gặp gỡ, tiếp xúc với ông – một BLV không tuổi.

BLV bóng đá là nghề tay trái

Khi chưa nghỉ hưu, công việc chính của BLV Đình Khải là làm thời sự chính trị. Ông từng tường thuật trực tiếp các kỳ Đại hội Đảng, các kỳ họp Quốc hội, các lễ mit tinh, diễu binh, diễu hành nhân những ngày lễ lớn của đất nước. Ông cũng từng nhiều năm được cử đi công tác trong nước và nước ngoài với nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Ngay sau khi nghỉ hưu, ông làm cố vấn cho đài truyền hình như VTC, rồi AVG. Tuy nhiên, ông được mọi người biết đến nhiều hơn ở cương vị một BLV thể thao.

Kỳ World Cup này, BLV lão làng Đình Khải tất tả với những lời mời cộng tác. Đôi mắt ông lại ánh lên ngọn lửa nhiệt huyết như thuở đầu được ngồi trước mirco Đài Tiếng nói Việt Nam hơn 40 năm về trước…