Định giá ở mức cao, động lực nào đưa cổ phiếu ngân hàng trở lại đường đua?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi giảm sâu và lình xình suốt một thời gian dài, việc cổ phiếu ngân hàng rục rịch có những sóng tăng ngắn gần đây đã khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng nhóm cổ phiếu này sẽ “trở lại đường đua”.

Định giá cổ phiếu ngân hàng đã ở mức cao

Tuần qua là một tuần giao dịch khá tích cực đối với nhiều cổ phiếu ngân hàng khi một số mã có mức tăng khá mạnh. Trong đó, dẫn đầu là VPB (VPBank) với mức tăng tổng cộng 6,4% trong tuần, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ở mức 38.200 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản của VPB cũng tăng vọt với 85 triệu cổ phiếu được giao dịch trong 2 phiên cuối tuần.

Hiện thị giá VPB đã ở đỉnh cao nhất kể từ cuối tháng 11/2021 và chỉ còn cách đỉnh lịch sử hồi đầu tháng 7/2021 chưa đầy 6%.

Tiếp đến là MBB (MB) với mức tăng 4,4%. Trong tuần, MBB có phiên tăng mạnh tới 5,2% (22/2) với thanh khoản bùng nổ hơn 37 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, TPB, NVB, SGB, ACB, VIB, BVB… cũng giao dịch khá tích cực.

Trước đó, cổ phiếu ngân hàng cũng đã có vài đợt sóng ngắn, đưa nền giá nhích nhẹ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng nhóm cổ phiếu này sẽ phục hồi ngoạn mục hơn, lấy lại vị thế nhóm cổ phiếu “vua” dẫn dắt thị trường như trước đó.

Đánh giá về nhóm cổ phiếu này, ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính đến từ CFA (Cộng đồng các Nhà phân tích tài chính Việt Nam) cho biết, ngân hàng là ngành có tốc độ tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của thị trường và quan trọng là nhà đầu tư có thể nhìn được tăng trưởng đó một cách rõ ràng. Do vậy ông cho rằng cổ phiếu ngân hàng sẽ vẫn còn hấp dẫn.

Tuy nhiên ngược lại, định giá ngành ngân hàng đã ở mức khá cao so với quá khứ. “Tất nhiên sẽ có những tranh luận rằng ngân hàng đã có ROE (tỷ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu) tốt hơn, quản lý rủi ro ngân hàng tốt hơn thì hoàn toàn xứng đáng giao dịch ở một nền giá tốt hơn. Điều này hoàn toàn đúng.

Nhưng có vấn đề là ROE ngân hàng tốt hơn một phần do quản lý tốt hơn nhưng một phần do hệ số sử dụng nợ ngân hàng tốt hơn. Hiện này, hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu của các ngân hàng đang ở mức từ 10 - 11 lần trở lên. Điều này nghĩa là bản thân lợi nhuận các ngân hàng có tính rủi ro hơn trước những bất lợi của thị trường như lãi suất tăng đột biến, thanh khoản thị trường giảm đột biến…” – ông phân tích.

Lợi nhuận các ngân hàng dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2022, nhưng hiện nay định giá cổ phiếu này đang ở mức cao

Lợi nhuận các ngân hàng dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2022, nhưng hiện nay định giá cổ phiếu này đang ở mức cao

Vị chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay định giá ngân hàng P/B (giá/giá trị sổ sách) khoảng 2,4 lần, tức là nằm trên 2 lần độ lệch chuẩn so với quá khứ, thì giả định với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng bình quân khoảng 20 – 25% trong năm nay. Giả sử giá cổ phiếu ngân hàng không tăng trong năm nay thì cuối năm P/B của ngân hàng về khoảng 1,8 – 2,0 lần, tức là mới quay về mức trung bình. Như vậy, chúng ta sẽ mất khoảng 1 năm cổ phiếu ngân hàng không mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư.

Động lực nào sẽ giúp cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền?

Cũng theo ông Đào Phúc Tường, nếu nhìn vào dòng tiền thì có thể thấy trong 2 tháng vừa qua tiền vào cổ phiếu ngân hàng không tăng. “Mặc dù giá có lên xuống theo ngày nhưng tỉ trọng dòng tiền hút vào ngành ngân hàng không tăng, thậm chí là nằm ở mức thấp so với cổ phiếu được coi là cổ phiếu vua trong quá khứ” – ông nói.

Do đó, theo ông Đào Phúc Tường, để giá cổ phiếu ngân hàng tăng, cần có yếu tố nào đó hút dòng tiền. Và kỳ Đại hội cổ đông tới đây sẽ là điểm bản lề thu hút sự chú ý thị trường vào cổ phiếu ngân hàng.

“Thời gian qua một số tin tức rò rỉ ra về lợi nhuận ngân hàng khiến giá cổ phiếu nhóm này phản ứng khá tích cực” – ông nói.

Lạc quan hơn đối với triển vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng, bà Đỗ Hồng Vân – Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup cho rằng với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của ngành ngân hàng đạt 20 – 25% trong năm 2022, ngành ngân hàng dự kiến sẽ tăng trưởng vượt trội hơn so với khối doanh nghiệp phi tài chính. Đây là điểm khác biệt so với năm 2021 khi lợi nhuận ngành ngân hàng tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng chung của thị trường.

“Đối với nhóm ngân hàng, tôi kỳ vọng tăng trưởng tốt trong năm nay nhờ 4 yếu tố: Thứ nhất, tín dụng tăng trưởng do nỗ lực kích thích kinh tế của Chính phủ. Thứ hai là NIM có thể tiếp tục duy trì tốt ngay kể cả khi lãi suất huy động tăng, do một số ngân hàng không còn phải hỗ trợ lãi suất như trong năm 2021 nữa.

Thứ ba, thu nhập từ phí sẽ hồi phục trở lại khi kinh tế hồi phục. Thứ tư là một số ngân hàng trong năm 2021 đã phải trích lập dự phòng trước thời hạn Thông tư 03, năm nay sẽ không phải trích lập nữa và có cơ hội hoàn nhập trở lại” – bà phân tích.