Định giá chứng khoán đã rất rẻ: Liệu có an toàn để "xuống tiền"?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thị trường chứng khoán đã giảm mạnh từ tháng 4/2022 đến nay, nhiều cổ phiếu đã giảm 90% từ đỉnh, đa số các cổ phiếu khác giảm từ 50% tới 70%. Vùng giá này liệu đã đủ an toàn, hay vẫn bị cho là đắt khi thị trường còn tiềm ẩn rủi ro?

Cơ hội hấp dẫn cho đầu tư dài hạn

Nhìn nhận sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Invesment Banking (MSVN) cho biết, khi thị trường điều chỉnh hồi tháng 4, các chuyên gia cho rằng đó chỉ là sự điều chỉnh do một sự kiện và thường khi điều chỉnh theo sự kiện sẽ chỉ kéo dài trong 3 – 8 tháng.

Nhưng khi chúng ta bước vào sự điều chỉnh mang tính chu kỳ do lãi suất tăng, thì việc lãi suất tăng kéo dài bao lâu, phản ánh vào thị trường ở mức độ nào và bao lâu là câu hỏi đặt ra.

Theo quan sát cũng như thống kê, thị trường suy giảm theo chu kỳ thì thường kéo dài nhanh là khoảng 6 tháng, lâu là 12 tháng. Chu kỳ giảm của thị trường sẽ phụ thuộc vào các chính sách của Chính phủ như điều tiết lại, nới lỏng, giảm lãi suất và tăng nguồn tiền cho nền kinh tế.

“Trong kịch bản tốt, chúng tôi cho rằng chúng ta sẽ có một thị trường thị trường điều chỉnh theo chu kỳ ngắn, tức 6 tháng và mức điều chỉnh sẽ theo định giá ở mức 900 – 950 là hợp lý, tương ứng với định giá 10 lần P/E.

Tuy nhiên, nếu lãi suất ở mức cao kéo dài cả năm sau do yếu tố lạm phát thì tôi cho là mức điều chỉnh hợp lý để nhà đầu tư so sánh giữa lãi suất chênh lệch thị trường và lãi suất tiền gửi, ở mức đâu đó khoảng 9 lần P/E, tương đương khoảng 870 điểm là mức hợp lý” – ông Thành nhận định.

Cũng theo ông, thị trường vừa qua sau khi giảm xuống 874 điểm đã bật lại. Như vậy, thị trường đã phản ánh phần nào lo ngại về việc điều chỉnh chu kỳ dài, từ đó thị trường sẽ có sự phục hồi. “Đặc biệt trong thời điểm này các quỹ nước ngoài như ETF Fubon Đài Loan đã giải ngân, thì nước ngoài họ cũng nhìn vào định giá, khi định giá xuống đến mức hợp lý thì họ sẽ mua vào” – vị chuyên gia nói thêm.

Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức rất hấp dẫn

Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức rất hấp dẫn

Đồng tình với ông Quản Trọng Thành, ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng, trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam đây mới là lần thứ ba P/E xuống dưới mức 10 lần. Hai lần trước vào thời khủng khoảng 2010-2011 và thời điểm đại dịch Covid-19.

Với mức giá hiện tại, theo ông hầu hết nhà đầu tư đã mua được cổ phiếu doanh nghiệp với mức thấp hơn cả định giá tài sản, và tiền đó đầu tư vào doanh nghiệp khả năng sinh lời có thể lên tới 15 - 20%.

“Nó tương đối hấp dẫn dưới mắt những nhà đầu tư dài hạn như chúng tôi. Do vậy, đối với quan điểm đầu tư của tôi cũng như quỹ VCBF, chúng tôi luôn nói với nhà đầu tư thời điểm tốt nhất để đầu tư là ngay bây giờ. Bởi vì khi chúng ta đầu tư tầm nhìn dài hạn, nếu đầu tư vào giai đoạn rẻ thế này thì cơ hội chiến thắng của nhà đầu tư sẽ rất cao” – ông nói.

Cần thời gian để lấy lại niềm tin nhà đầu tư

Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Anh cũng nhấn mạnh vẫn còn những yếu tố rủi ro, dù rất nhỏ. “Chúng ta thấy thị trường hiện nay đã phản ánh tất cả những thông tin hiện có và những kỳ vọng phía trước của nhà đầu tư, còn đương nhiên nó không thể phản ánh những điều chưa biết trong tương lai. Vì vậy vẫn có 1% rủi ro” – ông nói.

Dù vậy, trên thực tế thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang hạn chế và nhà đầu tư có xu hướng chốt lời ngắn hạn, cho thấy tâm lý chưa thực sự vững chắc.

Lý giải vấn đề này, ông Quản Trọng Thành cho rằng cơ cấu thị trường chúng ta là 88% nhà đầu tư cá nhân. “Lúc này không thể đi theo dòng tiền cá nhân vì rất phân tán, chúng ta nên đi theo dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức, tiền của các “tay lớn”, vì họ sẽ nhìn vào định giá” – ông nói.

Dù vậy, ông cũng cho rằng áp lực chốt lời khi có lãi 10 – 15% là dễ hiểu, vì triển vọng trong ít nhất 6 tháng tới vẫn còn biến động chưa chắc chắn. “Tuy nhiên, chính áp lực chốt lời này sẽ giúp thị trường kiểm chứng lại xem đáy 874 điểm có vững không. Nếu đáy sau cao hơn đáy trước thì tâm lý thị trường đã vững hơn và hồi phục tốt hơn rất nhiều” – ông nói, và nhấn mạnh quan điểm đây là giai đoạn chúng ta kiên trì tìm cơ hội đầu tư tích sản.

Ông Nguyễn Duy Anh cũng cho rằng đối với nhà đầu tư cá nhân, khi thị trường đạt đến điểm cân bằng họ sẽ quay lại đầu tư dài hạn sau khi nhận ra đầu tư ngắn hạn không mang lại thành quả.

“Chúng ta không thể kỳ vọng chỉ trong vòng 6 tháng đến 1 năm mà dòng tiền có thể trở lại mạnh mẽ như trong năm 2020, 2021, bởi vì giai đoạn này lãi suất đã tăng cao đáng kể so với giai đoạn đó. Chúng ta cần phải có một thời gian 2-3 năm nữa, vĩ mô ổn định, thị trường chứng khoán ổn định, nhất là trái phiếu ổn định thì dòng tiền mới quay trở lại” – ông nói.