Dimitry  Medvedev và con đường đến điện Kremli

(ANTĐ) - Medvedev là một “trí thức kiểu St Peterburg” điển hình. Ông sinh ngày 14-9-1965 trong một gia đình nhà giáo thuộc thành phố Leningrad (tức St Peterburg ngày nay). Mẹ ông vốn là Giáo sư Văn học của Học viện Sư phạm Herzen, sau làm hướng dẫn viên trong Viện bảo tàng, cha ông là Giáo sư của Học viện Kỹ thuật.

Dimitry  Medvedev và con đường đến điện Kremli

Kỳ 1: Medvedev và “10 vạn câu hỏi tại sao?”

(ANTĐ) - Medvedev là một “trí thức kiểu St Peterburg” điển hình. Ông sinh ngày 14-9-1965 trong một gia đình nhà giáo thuộc thành phố Leningrad (tức St Peterburg ngày nay). Mẹ ông vốn là Giáo sư Văn học của Học viện Sư phạm Herzen, sau làm hướng dẫn viên trong Viện bảo tàng, cha ông là Giáo sư của Học viện Kỹ thuật.

Gia đình Medvedev sinh sống ở khu Kutchino thuộc St Peterburg ngày nay. Đây là khu thành phố xây dựng thời Liên Xô, gồm những khu nhà chung cư 5 tầng giống lồng chim và thường được người Nga gọi là kiến trúc “kiểu Khơ-rút-xốp”. Cho đến nay, căn phòng mà Medvedev đã từng ở vẫn được lưu giữ, chủ hộ vẫn là mẹ ông. Điều thú vị hơn nữa, trên tường của căn nhà, có người đã viết: “Tổng thống Nga tương lai được sinh ra tại đây”.

Tổng thống Medvedev (giữa) đến thăm các sinh viên Khoa Luật tại Đại học Quốc gia St. Petersburg, tháng 6-2008. Ảnh: Ria Novosti

Tổng thống Medvedev (giữa) đến thăm các sinh viên Khoa Luật tại Đại học Quốc gia St. Petersburg, tháng 6-2008. Ảnh: Ria Novosti

 

Dường như câu nói này được viết trước khi Medvedev trúng cử Tổng thống Nga, vì vậy mới có từ “tương lai”. Trong trí nhớ của những người hàng xóm cũ, gia đình Medvedev luôn để lại trong họ những ấn tượng tốt như: “Rất lịch sự, nhưng luôn giữ khoảng cách”. Gia đình Medvedev không giàu có, nhưng lại có rất nhiều sách. Trong khi những đứa trẻ hàng xóm tíu tít rao bán những đồ kỷ niệm, huy hiệu cho khách du lịch nước ngoài thì Medvedev lại trốn trong nhà đọc sách của cha.

Từ nhỏ đã được tiếp nhận một nền giáo dục truyền thống tốt, nhưng điều này cũng tạo cho Medvedev lòng hiếu kỳ về những sự vật xung quanh mạnh hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. “Chiến hạm Rạng Đông thần kỳ có lượng giãn nước là bao nhiêu ạ?”. Cậu học sinh Medvedev nghiêng đầu, chăm chú nhìn cô giáo Vera và hỏi. Chiến hạm Rạng Đông lưu đậu trên sông Neva tại trung tâm thành phố St Peterburg chính là con tàu đã nã phát pháo đầu tiên mở màn cho cuộc Cách mạng Tháng Mười 1917. Sau Cách mạng Tháng Mười, con tàu tuần dương từng đưa Chủ nghĩa Mác - Lênin tới các quốc gia trên thế giới này đã được lưu giữ ở đó, hầu hết người dân ở St Peterburg đều rất quen thuộc với nó, song lại có rất ít người giống như cậu bé Medvedev muốn biết rõ trọng tải của con tàu.

Ngay từ khi còn bé, cha mẹ D. Medvedev đã giao nhiệm vụ ông phải học để trở thành một giáo sư
Ngay từ khi còn bé, cha mẹ D. Medvedev đã giao nhiệm vụ ông phải học để trở thành một giáo sư

 Lần ấy, “cậu bé đặt vấn đề đáng sợ” này khiến cho cô giáo phải đau đầu, vì vậy cô Vera đành phải tới thư viện tìm tư liệu, tốn rất nhiều công sức mới có đáp án thỏa mãn cho cậu học trò nhỏ. Medvedev rất thích ở bên cạnh cô giáo để có thể hỏi bất kỳ điều gì và bất cứ lúc nào. Vì vậy, Medvedev ngày đó luôn ở bên cô giáo như hình với bóng. Khi đi học Medvedev rất ít khi chơi đùa với các bạn cùng trang lứa, từ sáng đến tối chỉ tập trung vào học. Lúc đó, trong các môn học, kết quả môn toán của Medvedev là cao nhất, các môn khác thỉnh thoảng mới có điểm bốn, còn môn toán thì luôn đạt điểm năm.

 Năm đầu tiên dạy học, cô Vera đã làm chủ nhiệm lớp một của Medvedev, lúc ấy cô Vera rất trẻ, mới hai mươi tuổi. Khi bước lên bục giảng cô rất lo lắng, sợ phụ huynh trông thấy mình trẻ như vậy sẽ thiếu tin tưởng mà đưa con học ở lớp khác có giáo viên nhiều kinh nghiệm. Thời kỳ Liên Xô bấy giờ và nước Nga hiện nay, rất nhiều trường học cho phép phụ huynh được quyền chọn lựa giáo viên và lớp học cho con mình. Sau khi hiểu được Medvedev xuất thân trong gia đình trí thức, nỗi lo lắng của Vera càng tăng cao.

Thế nhưng, Medvedev vẫn không xin đi lớp khác. Trong trí nhớ của cô Vera, hình ảnh Medvedev là “mười vạn câu hỏi tại sao”. Khi học lớp một Medvedev đã tiếp thu rất tốt bài học, đọc thông viết thạo. Vì thế cô giáo Vera đã giao cho Medvedev một nhiệm vụ đặc biệt, đó là sau khi đọc xong mỗi quyển sách sẽ trình bày lại cho tất cả các bạn cùng nghe. Tất nhiên cô giáo Vera làm như vậy còn vì một suy nghĩ khác, đây là một “cậu bé thích đặt vấn đề”. Cô Vera nói nếu không làm như vậy, cậu ấy sẽ không thể ngồi yên trong lớp. Nếu như cậu ấy biết đáp án của câu hỏi, sẽ ngồi tại chỗ mà la to lên, ngay cả khi bạn không hỏi cậu ấy.

Khi học lớp một, cậu bé Medvedev đã nuôi ý chí để sau này trở thành một luật sư, vì vậy trong quá trình học tập, Medvedev rất nghiêm khắc với bản thân, ngay cả việc viết chữ cũng vậy. Cô giáo Vera nói: “Mặc dù tôi là giáo viên, nhưng khi mới bắt đầu dạy học tôi lại sợ học sinh. Vì thế, tôi thường cố tỏ ra thật nghiêm khắc”. Một lần, cô viết vào quyển vở của Medvedev: “Cần nỗ lực viết chữ đẹp hơn”. Từ đó trở đi, Medvedev bắt đầu bắt chước nét chữ của cô giáo. Năm học lớp tám, Medvedev tham gia lao động tại một công xưởng và được hưởng thù lao là 10 rúp. Theo lời kể của Medvedev thì đó là thu nhập đầu tiên trong đời của ông.

Medvedev không những thông minh mà còn sống rất tình cảm. Khi đã trưởng thành, Medvedev vẫn luôn giữ quan hệ thường xuyên với những giáo viên và bạn bè trước đây, giữ lại những tình cảm chân thành và mộc mạc ngày xưa. Cho dù sau này con đường sự nghiệp thăng tiến thuận lợi, thậm chí sau khi đã làm việc trong Điện Kremli, Medvedev vẫn giữ một lòng kính trọng đối với cô giáo cũ. Cô Vera nhớ lại: “Chúng tôi thường gặp nhau ở Moscow. Tôi gọi điện, cậu ấy lập tức đề nghị gặp mặt, thậm chí cùng ăn cơm, lúc đó cậu ấy đã là chủ nhân của dinh Tổng thống rồi”.

Một lần, Medvedev đưa cô giáo dạy lớp một tới văn phòng làm việc của mình ở Điện Kremli. Khi đi qua hành lang trong Điện Kremli, cô Vêra cảm thấy choáng ngợp trước kiến trúc của nó. Điện Kremli được xây dựng từ xa xưa là một tòa kiến trúc đồ sộ. Medvedev trông thấy cô giáo như vậy liền nói ngay: “Lần đầu đến đây em cũng như cô vậy!”. Biết cô Vera rất thích chụp ảnh, Medvedev tặng cô một chiếc máy ảnh tốt. Khi tham quan Điện Kremli, trong phòng làm việc của dinh Tổng thống, cô đã chụp tặng cho cậu học trò cưng vài tấm ảnh. Có lần cô Vera nói với Medvedev: “Cô rất tự hào về em!”. Cô Vera có lý do để tự hào, vì trong các nhà chính trị Nga, chỉ có hai người mời cô giáo dạy lớp một tới nhà chơi là Medvedev và Putin.

Cho đến ngày nay, ngôi trường Trung học số 305 ở St.Peterburg mà Medvedev học năm đó vẫn coi cậu học trò kiệt xuất này là niềm tự hào. Cuối năm 2007, khi Medvedev chính thức tuyên bố sẽ tham gia cuộc tuyển cử Tổng thống 2008, các giáo viên trong trường đã lục tìm những tấm ảnh và tài liệu liên quan đến Medvedev trong hồ sơ và sắp xếp lại; sau đó mở một cuộc triển lãm nhỏ trưng bày những tấm ảnh quý giá này trên hành lang tòa nhà môn Toán học. Nhưng cả thầy cô giáo và học sinh đều không ngờ được rằng, mấy ngày sau những tấm ảnh và tài liệu đó đã không cánh mà bay.

Một cô giáo buồn rầu nói: “Nếu sớm biết như vậy, chúng tôi đã không mở cuộc triển lãm này”. Các thầy cô giáo thậm chí không báo cảnh sát, vì họ tin rằng, những tấm ảnh mà chính tay Medvedev ký tên chắc đã bị bán cho các nhà sưu tầm phương Tây với giá cao rồi. Năm 1990, Medvedev giành được học vị Phó Tến sĩ và trở thành giảng viên cấp cao, vừa nghiên cứu vừa giảng dạy tại Khoa Luật trường Đại học Leningrad. Luận văn tốt nghiệp Phó Tiến sĩ của Medvedev có tựa đề “Những vấn đề thực hiện Luật Dân sự trong các xí nghiệp Nhà nước”.

Hơn nữa, năm 1988 khi dự thi nghiên cứu sinh, cũng là lúc Medvedev giảng dạy về Luật Dân sự.  Năm 1990, Sobchak trúng cử chức Chủ tịch ủy ban Xô Viết thành phố Leningrad, ông đã bổ nhiệm ngay Medvedev làm cố vấn; nhưng khi bước những bước đầu tiên trên trường chính trị, Medvedev vẫn không quên kỳ vọng của cha mẹ, vẫn tiếp tục giảng dạy tại trường Đại học Leningrad. Medvedev còn là một trong những tác giả của cuốn sách giáo khoa về Luật Dân sự do Phòng Nghiên cứu và giảng dạy “Luật Dân sự” của trường Đại học Leningrad xuất bản. Ông viết bốn chương trong cuốn sách này.

Trong trường học, Medvedev giảng dạy về Luật Roma, đó cũng là ngành học mà Medvedev yêu thích. “Chỉ có học giả chân chính mới có thể giảng dạy môn học khô khan này một cách đầy màu sắc như vậy” - các giảng viên khác cùng nói như vậy. Trong lĩnh vực nghiên cứu luật pháp, Luật Roma được nhiều người xem là đỉnh cao khó với tới, nhưng Medvedev đã làm được “một danh sách những ngọn núi nhỏ”. Medvedev có thể ngồi một mình, chuyên tâm nghiên cứu, giỏi học vấn. So với đồng nghiệp, đề tài nghiên cứu do Medvedev viết là nhiều nhất.

Vì thế Medvedev rất nhanh chóng giành được học vị Phó Tiến sĩ.  ấn tượng về Medvedev trong mắt sinh viên là “nhà bác học, tinh thông ngôn ngữ La-tin, thích lấy các điển tích để làm dẫn chứng”. Medvedev để lại ấn tượng tốt đẹp cho các sinh viên nữ, vì Medvedev luôn thay đổi màu sắc và kiểu cách những chiếc ca-vát của mình, giống như người mẫu vậy. ở trường Đại học Leningrad cũ, nay là Đại học St Peterburg đến nay vẫn còn lưu truyền một câu chuyện cảm động. Năm 1999, sau khi Medvedev được Putin cân nhắc vào Điện Kremli, trên bảng niêm yết trước cổng Viện Pháp học có dán một tờ giấy ghi dòng chữ: “Một vị Giáo sư Khoa Luật đã mất tích. Đặc điểm: Trẻ, thông minh và tuấn tú. Mong thầy hãy mau quay về! Chúng em yêu thầy!”.

ANTĐ

Kỳ 2: Mối quan hệ giữa Medvedev và Putin

Ngày 7-5-2008, ông Dmitry Medvedev tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga sau khi đắc cử với số phiếu áp đảo. Ảnh: Ria Novosti
Ngày 7-5-2008, ông Dmitry Medvedev tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga sau khi đắc cử với số phiếu áp đảo. Ảnh: Ria Novosti
LTS: 10 năm trước, khi nhắc tới cái tên Dimitry Medvedev gần như không ai biết ông là ai. 10 năm sau, con người thầm lặng này đã trở thành một trong những nguyên thủ trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Nga và thế giới.

Con đường để ông đến với cương vị chủ nhân của Điện Kremli thế nào, ông từng giữ  vai trò gì trong chiến dịch tranh cử của Vladimir Putin cùng những bước cải tổ đầu tiên trong 8 tháng lên nắm quyền làm chủ nước Nga, những sở thích, thói quen làm việc của vị chủ nhân điện Kremli, những điều trùng hợp giữa Medvedev và Putin...

Tất cả những điều đó đều được giới thiệu trong cuốn sách “Medvedev - người tiếp tục con đường phục hưng nước Nga” do  NXB QĐND giữ bản quyền và biên soạn. Sách sẽ được phát hành vào cuối tháng 12 này.