Thế giới một tuần nhìn lại:
Điều còn ở lại
(ANTĐ) - Cuộc sống thường có những diễn biến không tưởng, đôi khi lại là trùng dương sóng bể. Chẳng biết đâu mà đoán định!
Hàn Quốc bắn ngư lôi chống tàu ngầm trong cuộc tập trận cùng Hoa Kỳ trên biển Hoàng Hải |
Đại diện từ Mỹ và hơn 70 quốc gia khác đã cùng hàng trăm nghìn người Nhật Bản đến tham dự buổi lễ ở Hiroshima, để nhớ lại ngày 6-8-1945, ngày Hiroshima bị quả bom nguyên tử của Mỹ tàn phá. Tiếng chuông một đền thờ báo hiệu sự khởi đầu của một phút im lặng vào lúc 8h15 ngày 6-8, khi 65 năm trước chiếc máy bay ném bom B-29 của Mỹ thả quả bom xuống sát hại hàng chục nghìn người ở Hiroshima.
“Loài người không được phép lặp lại sự kinh hoàng mà những quả bom nguyên tử đã gây ra” - Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tuyên bố sau khi 1.000 con chim bồ câu trắng được thả lên bầu trời, biểu hiện khát vọng hòa bình. Không được phép lặp lại sự kinh hoàng - thông điệp dường như không của riêng ai, nhưng chứa đựng trong nó niềm tin và sự thực thi của nhiều thế hệ. “Nhật - Quốc gia duy nhất bị tấn công bằng bom hạt nhân, có nghĩa vụ đạo đức là dẫn đầu những nỗ lực đi tới việc xây dựng một thế giới không có bom hạt nhân”.
Quả bom “cậu bé” do máy bay Mỹ thả xuống Hiroshima tạo ra một quả cầu lửa nóng đến mức biến cát thành kính, và làm bốc hơi bất cứ ai trong bán kính 1,6 km. Khoảng 140.000 người Hiroshima chết ngay lập tức hoặc vài ngày sau vụ ném bom, và hơn 70.000 người khác thiệt mạng sau vụ ném bom nguyên tử thứ 2 ở Nagasaki ba ngày sau. Điều đau xót không nói thay cho nhiều thế hệ, mà nói thay cho cả loài người văn minh.
Theo AFP, tham dự buổi lễ, Đại sứ Mỹ John Roos đã đặt vòng hoa để tưởng nhớ các nạn nhân. Trước đó Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Tổng thống Barack Obama cho rằng Mỹ cần phải tham dự sự kiện này bởi Washington đang theo đuổi mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân. “Vì các thế hệ tương lai, chúng ta cần tiếp tục hợp tác để xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân”, ông Roos tuyên bố trong bài phát biểu tại Hiroshima.
Cũng phải nhắc lại rằng, 2 thập kỷ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ và Nga vẫn đang sở hữu hơn 22.000 đầu đạn hạt nhân. Pháp, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, và Israel sở hữu khoảng 1.000 đầu đạn. Nhưng, những câu chuyện của thế chiến nhắc nhớ chúng ta bài học của chiến tranh. Chẳng lợi ích cho ai cả, trừ lái súng.
Và bởi vậy, dù bán đảo Triều Tiên có nóng lên cỡ nào, thì những nỗ lực hòa giải vẫn là vô giá. Bởi trừ phi, lợi ích của văn minh nhân loại không được nhận biết. Còn không, chẳng ai muốn chiến tranh, chẳng ai muốn tổn hao sức mạnh cả. Dù cho Trung Quốc đã hoàn thành quá trình sản xuất chiếc thủy phi cơ đầu tiên thuộc quyền sỡ hữu trí tuệ của nước này có tên Seagull 300. Dù cho, Hàn Quốc vẫn tập trận chống tàu ngầm kéo dài 5 ngày với quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên biển Hoàng Hải, gần khu vực tranh chấp giữa hai miền Triều Tiên.
Phía trước, tương lai đặt cả hy vọng vào sự kiềm chế và đối thoại. Đó cũng là điều còn ở lại mà mỗi bên tranh chấp, đều ít nhiều đợi mong!
Tô Trung Phan