Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2022: Việt Nam nêu đề xuất tháo gỡ khủng hoảng lương thực toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 23-5 (giờ địa phương), Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos 2022 đã tiến hành thảo luận phiên về “Chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu”, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái là diễn giả chính trong phiên thảo luận này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái dự và phát biểu khai mạc Phiên toàn thể về chủ đề “Chuyển hướng khủng hoảng lương thực toàn cầu”

Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái dự và phát biểu khai mạc Phiên toàn thể về chủ đề

“Chuyển hướng khủng hoảng lương thực toàn cầu”

Tham gia thảo luận có Phó Tổng thống Tanzania Philip Isdor Mpango, Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu (UAE) Mariam Mohammed Saeed Al Mheiri, Chủ tịch Tập đoàn Syngenta (Thụy Sĩ) J. Erik Fyrwald, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley.

Phát biểu khai mạc phiên trọng tâm này, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái nhấn mạnh tác động của khủng hoảng “kép” của đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị đang gây ra những tác động cộng hưởng chưa từng có lên nguồn cung, giá cả và chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.

Phó Thủ tướng nêu 5 đề xuất quan trọng: Một là, cần có cách tiếp cận tổng thể, đa mục tiêu, hướng tới một hệ thống lương thực toàn cầu tự cường, bao trùm và bền vững. Vấn đề cấp bách là hỗ trợ nhân đạo các nước thiếu lương thực, khôi phục chuỗi cung ứng và kiềm chế áp lực tăng giá nông sản; về dài hạn, phải xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bao trùm và bền vững.

Hai là, tăng cường hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy vai trò của tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực toàn cầu, trong đó cần bảo đảm chuỗi cung ứng lương thực thông suốt, loại bỏ hàng rào thương mại đối với lương thực, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, thúc đẩy mô hình hợp tác ba bên mà Việt Nam triển khai hiệu quả với các nước châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Ba là, đề cao cách tiếp cận toàn dân, bảo đảm quá trình chuyển đổi sản xuất lương thực công bằng, tính đến lợi ích của các nhóm dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế.

Bốn là, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp có sự tham gia và phối hợp hành động của tất cả các bên liên quan.

Năm là, đổi mới tư duy, kiến tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp và sản xuất lương thực, nhất là ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo…

Phó Thủ tướng chia sẻ định hướng của Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp carbon thấp, “xanh - sinh thái - bền vững”, xoay quanh ba trụ cột: “nông nghiệp sinh thái”, “nông thôn hiện đại”, “nông dân thông minh”. Phó Thủ tướng kêu gọi sự đồng hành của quốc tế trong việc củng cố khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu cho Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần củng cố an ninh lương thực quốc gia và khu vực.

Theo Giám đốc WFP David Beasley, ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, vấn đề an ninh lương thực toàn cầu cũng trong tình trạng đáng báo động. Vấn đề khủng hoảng lương thực toàn cầu càng trở nên đáng chú ý khi có tới 400 triệu người ở 43 quốc gia trên thế giới đối mặt với nạn đói.

Theo ước tính nạn đói cứ tăng 1% thì có thể phải chứng kiến 2% lượng di dân. Cần phải có những hành động ngay bây giờ tránh viễn cảnh an ninh lương thực càng trở nên nghiêm trọng hơn. Lúc đó, nạn đói có thể ở khắp thế giới chứ không chỉ những nước nghèo như trước kia. Cần có sự đầu tư và phối hợp hài hòa giữa các nước và có các cơ chế khác nhau để cùng giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất từ trước đến nay.

Phó Tổng thống Cộng hòa Thống nhất Tanzania Philip Isdor Mpango cho rằng châu lục châu Phi đang chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu làm tác động tiêu cực hơn đến chính sách an ninh lương thực. Theo Phó Tổng thống cần có các chiến lược đồng hành, chương trình quốc gia và đầu tư cơ sở thiết yếu nông nghiệp, tưới tiêu, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi về đất trồng, cần tăng cường đầu tư vào phân bón, đa dạng các nguồn giống.

Theo WEF, thế giới có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ trước những tác động tổng hợp của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và các cuộc xung đột ở Ukraine. Như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã từng cảnh báo các cuộc xung đột hiện vẫn là yếu tố lớn nhất dẫn tới tình trạng gia tăng đói nghèo trên toàn cầu.

Thế giới đang chứng kiến “một cơn bão hoàn chỉnh” gồm xung đột, biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, làm gia tăng đói nghèo và giá lương thực tăng cao. Việc đảm bảo nguồn cung lương thực sẽ là vấn đề gây lo ngại lớn trong năm tới nếu không chú trọng đến việc tăng sản lượng, ổn định thị trường và tháo gỡ khủng hoảng lương thực toàn cầu.