Điểm sáng thị trường bán lẻ Việt Nam

(ANTĐ) - Với mức tăng trưởng 18,6% trong 2009, thị trường bán lẻ Việt Nam đang được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới. Theo khảo sát của Công ty Tư vấn và Quản lý bất động sản CB Richard Eliss (CBRE Việt Nam), dự báo nhu cầu đối với thị trường mặt bằng bán lẻ ở các thành phố lớn của Việt Nam mà đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ tăng mạnh trong năm 2010, sau khi Việt Nam chính thức mở cửa cho các tập đoàn bán lẻ quốc tế và cam kết thực hiện các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có hiệu lực từ ngày 1-1-2010.

Điểm sáng thị trường bán lẻ Việt Nam

(ANTĐ) - Với mức tăng trưởng 18,6% trong 2009, thị trường bán lẻ Việt Nam đang được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới. Theo khảo sát của Công ty Tư vấn và Quản lý bất động sản CB Richard Eliss (CBRE Việt Nam), dự báo nhu cầu đối với thị trường mặt bằng bán lẻ ở các thành phố lớn của Việt Nam mà đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ tăng mạnh trong năm 2010, sau khi Việt Nam chính thức mở cửa cho các tập đoàn bán lẻ quốc tế và cam kết thực hiện các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có hiệu lực từ ngày 1-1-2010.

Tăng trưởng và phát triển

Tại Diễn đàn “Thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam: Tiềm năng - Hợp tác - Phát triển” do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức, các chuyên gia kinh tế và đại diện nhiều doanh nghiệp đều khẳng định, các nhà bán lẻ trên thế giới đang đối mặt với những quyết định khó khăn. Tuy nhiên, cơ hội tăng trưởng của thị trường bán lẻ (TTBL) Việt Nam vẫn rất lớn và tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2010, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương, sau 1 năm tiếp tục lộ trình mở cửa, TTBL Việt Nam đã vượt qua suy thoái với con số ấn tượng. Doanh số bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt gần 1.200 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6%. Loại trừ yếu tố giá, tăng trưởng vẫn đạt gần 12%.

Trên đà khởi sắc của thị trường tiêu dùng nội địa, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ được nhận định sẽ còn tiếp tục tăng trên 20% trong năm 2010, ước đạt 1.440 nghìn tỷ đồng. Dựa vào triển vọng này, Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu RNCOS (Mỹ) dự báo TTBL Việt Nam sẽ đạt doanh số 85 tỷ USD vào năm 2012.

Ông Richard Leech, Giám đốc Công ty CBRE Việt Nam cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song TTBL Việt Nam vẫn xuất hiện nhiều thương hiệu quốc tế mới như Naf Naf, Morgan de Toi, Mexx, Aldo, Hard Rock Café, Debenhams... Điều này cho thấy trong năm 2010 sẽ có thêm nhiều nhà bán lẻ cao cấp nước ngoài tham gia vào TTBL Việt Nam.

Cơ hội và thách thức

Năm 2009 qua đi trong sự ảm đạm đối với TTBL thế giới. Ở Việt Nam, sau một thời gian dài “để ý” và âm thầm xuất hiện, các “đại gia” bán lẻ cao cấp nước ngoài đã vượt qua mức quan tâm và chính thức có dấu hiệu tham gia vào thị trường Việt Nam. Yếu tố quan trọng nhất của ngành bán lẻ là mặt bằng. Điều đó được chứng minh bằng hành động các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh đang gấp rút tìm kiếm những mặt bằng đẹp, vị trí đắc địa “còn lại” tại trung tâm các thành phố lớn.

Hiện không ít các vị trí đẹp nhất trong trung tâm nội đô TP.HCM, Hà Nội hiện đa phần đã thuộc về các doanh nghiệp trong nước. Ngay ở các khu đô thị mới, các tỉnh xa, doanh nghiệp trong nước cũng đang tích cực tìm cách sở hữu các mặt bằng tốt. Sự cạnh tranh này diễn ra khốc liệt và thực tế khiến không ít các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng sẽ gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, không thể chủ quan với các khó khăn của doanh nghiệp nước ngoài mà doanh nghiệp trong nước có thể ung dung chờ “nước đến chân mới nhảy”. Khá nhiều “khoảng trống” mà doanh nghiệp nước ngoài vẫn có thể thâm nhập vào theo cách ít tốn kém nhất, và bài toán các doanh nghiệp trong nước cần giải đó là hạn chế tối đa những “khoảng trống” đó.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhấn mạnh: “Trong khi TTBL Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thì cộng đồng bán lẻ Việt Nam sẵn sàng hợp tác để mở cửa hội nhập và cạnh tranh bình đẳng trong môi trường bán lẻ đa dạng, nhiều thay đổi và biến động để nâng tầm của Việt Nam trên bản đồ thế giới về dịch vụ bán lẻ”.

Tạo điểm nhấn…

Nhiều phân khúc bán lẻ tại thị trường Việt Nam còn bị bỏ ngỏ hoặc vẫn chưa phát triển kịp thời đã vô tình khiến người tiêu dùng trong nước sang mua sắm ở các nước khác trong khu vực. Đó là nhận định chung của nhiều người trong buổi Tọa đàm về kinh doanh bán lẻ và bất động sản bán lẻ diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về thu hút đầu tư lĩnh vực bất động sản VnTPO.

Thời gian gần đây, phân khúc mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại ở TP.HCM và Hà Nội đã có dấu hiệu sôi động với các dự án chuẩn bị khai trương trong thời gian tới. Dấu hiệu tích cực này được Công ty CBRE Việt Nam nhận định, năm 2010, bộ mặt của ngành bán lẻ Việt Nam sẽ có những thay đổi khi những trung tâm thương mại, dự án bất động sản có quy mô lớn dự kiến sẽ đưa vào hoạt động sẽ là nguồn cung mặt bằng bán lẻ tăng lên 50% trong 2010.

Trước áp lực mở cửa thị trường, các tập đoàn và doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã tìm kiếm cho mình những cơ hội mới nhiều cách khác nhau để mạnh hơn. Nhìn về tổng thể, thị trường bán lẻ nước ta đang hấp dẫn, nhưng vấn đề ở chỗ các doanh nghiệp làm cách nào để mình có được một phần trong miếng bánh đó.

Các đại gia bán lẻ nước ngoài đang tận dụng thời gian để đổ bộ vào thị trường nước ta. Trong khi chờ chiến lược được ban hành và đến lúc các cơ chế ra đời, tập đoàn, công ty lẫn doanh nghiệp bán lẻ nội địa phải tự cứu mình trước, rất có thể là cách liên kết nhau lại hoặc đi trước đón đầu bằng các dự án, mô hình tổ hợp trung tâm thương mại với quy mô lớn trên diện rộng để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và toàn xã hội.

Hồng Hạnh