Điểm sáng - khoảng lặng và 3 tỉ tiền thưởng đội điền kinh Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 22 HCV giành được tại SEA Games 31 giúp đội tuyển điền kinh Việt Nam xác lập kỷ lục, nhận về "mưa tiền thưởng", song vẫn còn đó những khoảng lặng.

Trong 22 HCV (vượt chỉ tiêu đề ra là 15-17 HCV) của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31, có nhiều cái tên gây ấn tượng.

Đó là Nguyễn Thị Oanh với 3 HCV cá nhân (1.500m, 5.000m, 3.000m vượt chướng ngại vật) và 1 kỷ lục (3.000m vượt chướng ngại vật) chỉ trong 32 tiếng đồng hồ, với các thông số đều tốt hơn thành tích giúp cô giành HCV tại SEA Games trước đó.

Nguyễn Thị Oanh nổi bật với 3 HCV, 1 kỷ lục

Nguyễn Thị Oanh nổi bật với 3 HCV, 1 kỷ lục

Là Hoàng Nguyên Thanh với tấm HCV lần đầu trong lịch sử ở nội dung marathon nam.

Là cô gái người Thái - Lò Thị Hoàng, không chỉ giúp điền kinh Việt Nam lần đầu giành HCV đầu tiên nội dung ném lao nữ mà còn phá luôn kỷ lục đại hội tồn tại suốt 15 năm do Buoban Pamang (Thái Lan) thiết lập từ SEA Games 2007 (56m37 so với kỷ lục cũ 55m97).

Là phong độ bền bỉ tuyệt vời của tổ tiếp sức 4x400m nữ với tấm HCV ở kỳ đại hội thứ 4 liên tiếp; cú đúp Vàng (5.000m, 10.000m nam) ở tuổi 36 của Nguyễn Văn Lai.

Hay tấm "HCV kim cương" của Nguyễn Linh Na giúp Việt Nam lần đầu vô địch nội dung 7 môn phối hợp nữ SEA Games, phá kỷ lục quốc gia (5.415 điểm so với 5.350 điểm) của đàn chị Nguyễn Thị Thu Cúc tồn tại suất 17 năm qua.

"Bà mẹ một con" Nguyễn Thị Huyền (phải) và đồng đội Quách Thị Lan, hai người góp 3 HCV cho đội tuyển

"Bà mẹ một con" Nguyễn Thị Huyền (phải) và đồng đội Quách Thị Lan, hai người góp 3 HCV cho đội tuyển

Cũng không thể không nhắc tới Nguyễn Thị Huyền, "bà mẹ một con" xuất sắc giành HCV 400m và 4x400m tiếp sức.

Bên cạnh những điểm sáng, điền kinh Việt Nam cũng có khoảng lặng ở những nội dung danh giá bậc nhất môn điền kinh: 100m và 200m.

Ở nội dung nữ, điền kinh Việt Nam không thể bảo vệ được tấm HCV 100m, cũng như lỡ hẹn HCV 200m sau khi Lê Tú Chinh chấn thương phải rút lui phút chót.

Còn với 100m, 200m nam, điền kinh Việt Nam vẫn mòn mỏi giấc mơ Vàng khi lép vế trước điền kinh Thái Lan.

"Thần đồng điền kinh" Thái Lan Boonson vô địch 100m, 200m nam và tiếp tục là thách thức lớn với các VĐV Việt Nam tại các kỳ SEA Games tới đây

"Thần đồng điền kinh" Thái Lan Boonson vô địch 100m, 200m nam và tiếp tục là thách thức lớn với các VĐV Việt Nam tại các kỳ SEA Games tới đây

Mục tiêu này càng khó khăn hơn khi Thái Lan đang sở hữu "thần đồng" 16 tuổi Puripol Boonson - người vừa giành HCV 100m với thông số ấn tượng 10 giây 44; phá kỷ lục tồn tại 23 năm ở 200m với thành tích 20 giây 37.

Cùng với đó, SEA Games 31 chứng kiến những giọt nước mắt của Trần Nhật Hoàng khi anh không thể bảo vệ thành công HCV 400m nam, hay nỗi buồn của tổ tiếp sức 4x400m nam khi bị Thái Lan biến thành "cựu vương".

Tuyển điền kinh nhận hơn 3 tỉ đồng tiền thưởng

Với 22 HCV, 14 HCB, 7 HCĐ, 2 kỷ lục, giành ngôi nhất toàn đoàn, đội tuyển điền kinh Việt Nam sẽ nhận 1 tỉ đồng tiền thưởng từ Liên đoàn điền kinh Việt Nam, cùng 2,08 tỉ đồng tiền thưởng theo quy định nhà nước (45 triệu đồng/HCV, 25 triệu đồng/HCB, 20 triệu đồng/HCĐ, 20 triệu đồng/kỷ lục) và thưởng nóng của đoàn thể thao Việt Nam (10 triệu đồng/HCV, 5 triệu đồng/HCB, 3 triệu đồng/HCĐ).

Trong số này, Nguyễn Thị Oanh (3 HCV, 1 kỷ lục) là người có số tiền thưởng cao nhất: 185 triệu đồng.

Đây chưa phải con số cuối cùng, khi rất có thể sẽ có thêm nhà tài trợ thưởng cho đội tuyển, đặc biệt là các khoản từ nhà tài trợ, đơn vị chủ quản thưởng cho các cá nhân xuất sắc.