Đi tìm nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý

(ANTĐ) - Rốt cuộc, Bùi Minh Quốc, nhà văn, nhà thơ, người chồng, đã tìm ra di hài vợ mình, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, trên mảnh đất Duy Thành, Duy Xuyên, Quảng Nam, sau mấy mươi năm kiếm tìm nhọc nhằn, khổ ải, đau đớn, với nhiều hy vọng, và nhiều hơn, là tuyệt vọng.

Đi tìm nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý

(ANTĐ) - Rốt cuộc, Bùi Minh Quốc, nhà văn, nhà thơ, người chồng, đã tìm ra di hài vợ mình, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, trên mảnh đất Duy Thành, Duy Xuyên, Quảng Nam, sau mấy mươi năm kiếm tìm nhọc nhằn, khổ ải, đau đớn, với nhiều hy vọng, và nhiều hơn, là tuyệt vọng.

Đã tìm được hài cốt của nhà văn Dương Thị Xuân Quý, thật là một công việc xiết bao ý nghĩa, nhưng  không chỉ dừng lại ở đó. Bởi linh hồn nhà văn nằm trong tác phẩm, và ở lại mãi với trần gian bằng tác phẩm.

Như Nguyễn Du từng chiêm nghiệm: “thác là thể phách, còn là tinh anh”. Vậy nên, ta vẫn phải đi tìm nữa, vì Dương Thị Xuân Quý là một nhà văn, và cần phải tìm nhà văn trong chính những con chữ nhà văn để lại và phải đánh giá nhà văn bằng tác phẩm.

Hai mươi tám tuổi đã hy sinh trong chiến trường Quảng Nam những năm cuối thập kỷ 60, vào lúc ác liệt nhất, nhiều gian nan xương máu nhất, Dương Thị Xuân Quý đã để lại sau cái chết, tất cả những gì chị đã viết, dù không nhiều, nhưng đúng là nhà văn đích thực, một nhà văn đúng nghĩa.

Những gì thuộc cái viết mà chị để lại thật đẫm đầy sức nặng của con chữ. Những chữ có hồn vía hẳn hoi, có bóng mát che chở tâm hồn người đọc và có rất nhiều nỗi thương đau, niềm tâm cảm, sự đa đoan và có cả máu nữa.

Tôi nghĩ thấm thía như thế khi đọc sách “Dương Thị Xuân Quý, nhật ký, tác phẩm”.  

Và cuộc đi tìm chân dung tinh thần của nhà văn Dương Thị Xuân Quý, với tôi, đã bắt đầu như thế.

Dương Thị Xuân Quý viết nhật ký chiến trường, tận cùng thành thực

Không phải ngẫu nhiên, những nhà văn nhà báo làm cuốn sách này đã đưa nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý lên phần đầu cuốn sách. Và có lẽ, chính vì Dương Thị Xuân Quý đã viết nhật ký với tận đáy của sự thành thực.

Bằng sự “tận đáy” ấy, người đọc hiểu được con người thực của nữ nhà văn liệt sĩ này, ở đúng một đoạn đời bỏng cháy nhất, chói sáng nhất, cùng với sự hợp nhất giữa tài năng, lý tưởng và sự nghĩ ngợi đa đoan rất con người của chị, ngay đằng sau trang viết. Chính vì lẽ đó mà nhật ký của Dương Thị Xuân Quý là một tác phẩm văn học theo đúng tinh thần của loại thể này: nhật ký.

Do vậy, về phương diện văn chương, cái quyến rũ nhất của Nhật ký Dương Thị Xuân Quý là sự thành thực của các khát vọng tình cảm: khát vọng được yêu con, được làm mẹ, làm vợ và bao trùm lên tất cả là được sống với hết khát vọng đi và viết về cuộc kháng chiến cùng mảnh đất và con người miền Trung.

Đúng như Bùi Minh Quốc, Nguyên Ngọc và các bạn văn của Dương Thị Xuân Quý đều thấy ở nhà văn nữ này khí chất mạnh mẽ của một người khao khát khám phá và sáng tạo trong chính cái nơi mà chị cho là cần phải đắm mình, cần phải mơ ước mà đi đến: chiến trường.

Cuộc khám phá sáng tạo này thật quá nhọc nhằn khổ ải, nhưng chưa bao giờ khiến chị chùn bước, vì chị đã gọi tên nó là hạnh phúc.

Thi sĩ Bùi Minh Quốc, người bạn đời, cũng là đồng đội, cùng chiến trường sống và viết với chị ở Quảng Nam Đà Nẵng, đã viết “Bài thơ hạnh phúc” tưởng nhớ chị, một nhà văn khát khao ham muốn viết và sống ở giữa chiến trường đến độ, phải đến thế, chị mới thật sự coi đó là hạnh phúc:

… “Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép/ Con sông Giằng gầm réo miên man? Nước lũ về… Trang giấy nhỏ mưa chan/ Em vẫn viết lòng dạt dào cảm xúc/ Và em gọi đó là hạnh phúc… Và, Trong một góc vườn cháy khét lửa napal/ Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc/ Và em gọi đó là hạnh phúc…

Nhật ký đã ghi  trung thực nội tâm rất quan trọng của chị, cùng với sự vỡ lẽ về cuộc sống chiến trường, về những con người sống xung quanh chị, với ánh nhìn bao dung độ lượng, tinh tế, giàu tính nhân văn.

Nhật ký của chị cho ta thấy chị thật trung thực đến cả những lý do đi chiến trường, trong đó còn phảng phất cả sự thất vọng kinh khủng với những người trong Ban biên tập báo Phụ nữ, không cho phép chị viết văn, sợ chị viết văn thì không thể viết báo. Chị đã từng phải viết văn giấu giếm, và hễ cứ nghe tiếng guốc đi đến gần phòng phóng viên của chị ở 47 Hàng Chuối ở Hà Nội, là chị…sợ.

Theo nhật ký của chị, và cũng là những lời độc thoại khắc khoải nhớ thương con gái, đứa con bé bỏng mà chị đã phải để lại cho bà ngoại nuôi nấng. Con gái mới 16 tháng tuổi, chị dứt áo ra đi theo tiếng gọi của khát vọng viết về chiến tranh, nơi ấy có người chồng, thi sĩ Bùi Minh Quốc, đã đi trước,  vẫy gọi và chờ đợi chị ở đó. Chị cắt nghĩa rất rõ rành khát vọng viết của chị trong nhật ký ngày 9-8-1968:

"Ly của mẹ.

Mẹ báo cho con một tin để con mừng nữa là ngày hôm nay mẹ bắt đầu làm người lính chính thức của Tiểu ban Văn nghệ rồi.

Hôm nay, ngày thứ nhất của cuộc đời mới. Hôm nay Ban (ban Tuyên huấn khu 5) đã quyết định chính thức cho mẹ ở Văn nghệ. Thế là con ơi, mẹ đã hoàn toàn thoát khỏi sự ràng buộc của cái nghề làm báo, cái nghề nó làm hỏng văn của mẹ. Dù mẹ làm một binh nhì (hiện nay) của văn nghệ, mẹ còn sung sướng gấp trăm lần làm một phóng viên ở 47 HC (Hàng Chuối).

Song có thể điều ghét bỏ nghề báo này của chị chỉ liên quan đến những người phụ trách chị, do thiếu hiểu biết, đã cấm đoán chị viết văn.

Thực ra, căn cứ vào cái viết của chị, nghề báo đã giúp chị thâm nhập vào đời sống cuồn cuộn xanh tươi, li ti ấm áp, giúp chị phát hiện rất nhanh những nét đẹp dù thoáng qua nhất của con người và đời sống, kể cả những nét phản diện của chính những con người ngược sáng.

Ai xấu ai tốt, chỉ một thoáng chốc, qua một vài chi tiết là chị biết ngay và biết rõ họ rồi sẽ trở thành nhân vật của chị.

Nhật ký cho thấy không chỉ niềm khao khát lý tưởng sống và viết của chị, nó còn cho thấy những niềm thương nhớ chân thật, đời thường: nỗi nhớ con và nhớ chồng, sự giằng xé giữa hai đầu nỗi nhớ ấy trong niềm ân hận cũng thật con người: ân hận vì đã bỏ con đi khi con còn quá nhỏ, ân hận vì sống với chồng cùng một nhà trong cuộc chiến đấu đang ác liệt, tự thấy mình quá hạnh phúc, khi xung quanh mình, đồng đội đang gian khổ thiếu thốn cả những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà mình đang được hưởng.

Điều lớn lao nhất của nhật ký là ở chỗ đó, ở sự khám phá về nội tâm người viết trong sự trung thực đến cùng. Có lẽ vì thế, chị đã bắt nhịp rất nhanh với đời sống chiến trường, đã không chịu cho ai, dù đồng đội phải thương hại, thương cảm, mà chị chỉ muốn được tôn trọng như một người viết đích thực.

Nhật ký của Dương Thị Xuân Quý là một tác phẩm văn học đúng nghĩa

Và, như thế, phẩm chất đầu tiên và cuối cùng mà cuốn nhật ký của chị đạt đến chính là phẩm chất văn chương, bởi chị đã hóa giải tất cả những gian khổ thiếu đói, những thử thách, cả những nhớ nhung dằng dặc sầu thương của chị vào những sáng tác, mà truyện ngắn “Hoa rừng” là bông hoa tươi thắm nhất.

Chính Nguyên Ngọc đã phát hiện ra sự thắm tươi ấy có ý nghĩa hệ trọng như thế nào với nền văn nghệ giải phóng, nhưng trước hết, là với chính Dương Thị Xuân Quý.

Có gì rất tương đồng với số phận truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao đối với chính nhà văn Nam Cao, khi quyết định thay đổi cách nhìn người nông dân, bằng một cách nhìn mới, sâu sắc và thấm thía đến mức viết được thành một tác phẩm văn chương. Không hề ngẫu nhiên, Tô Hoài đã gọi “Đôi mắt” là tuyên ngôn nghệ thuật của các nhà văn theo kháng chiến chống Pháp.

“Hoa rừng” cũng có thể có một số phận văn chương tương tự như thế trong giai đoạn chống Mỹ gian khổ khốc liệt nhất ở Quảng Nam Đà Nẵng, và, không chỉ của một vùng đất Quảng Nam Đà Nẵng.

Không một ai ngày ấy lại không biết rằng, mảnh đất miền Trung Quảng Nam - Đà Nẵng này là chỗ trũng khốc liệt nhất của chiến tranh chống Mỹ.  Hai bờ sông Thu Bồn đã là nơi nằm xuống của bao anh hùng liệt sĩ.

Điều kỳ lạ thiêng liêng nhất, đó là: chỗ trũng này cũng thành mảnh đất chói sáng nhất, thu hút lý tưởng sáng tạo của văn nghệ sĩ nhiều nhất. Cứ chỗ nào ác liệt nhất là ở chính chỗ đó, văn nghệ sỹ muốn sống nhất và muốn viết nhất.

Dương Thị Xuân Quý đã bị thu hút như vậy, chị yêu quý, thương mến, ngưỡng vọng, trăn trở và khắc khoải biết bao nhiêu về mảnh đất và con người nơi đây, như Nguyên Ngọc từng đề từ trong cuốn tiểu thuyết “Đất Quảng” của ông: Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa uống đà say.

Như bao liệt sĩ nhà văn, Dương Thị Xuân Quý đã hy sinh, cùng với những nghệ sĩ chiến sĩ khác: Chu Cẩm Phong, Văn Cận, Phương Thảo, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Mỹ… Họ hy sinh anh hùng như những người lính.

Đánh giá những văn nghệ sĩ - chiến sĩ này, chúng ta đều đồng thuận rằng, hậu sinh còn chưa thực hiện hết những nghĩa cử mang tính tri ân với họ, bởi chưa một văn nghệ sĩ nào được truy tặng Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, và những tác phẩm của họ cũng chưa được truy tặng những giải thưởng cao quý và danh giá do Đảng và Nhà nước trao tặng: Giải thưởng Hồ Chí Minh và và Giải thưởng Nhà nước.

Tôi chỉ muốn nói rằng: món nợ cao quý này sẽ cần phải trả, và không phải của riêng ai!

Nguyễn Thị Minh Thái