Đi kiểm tra, chỉ ra chậm trễ, dù đã xây lắp xong 95% đường sắt Cát Linh - Hà Đông

ANTD.VN - Dù đã “chốt” tiến độ khai thác vào cuối năm nay 2018, tuy nhiên, người dân vẫn chưa thực sự tin tưởng cũng như nghi ngờ vào “sự chốt tiến độ lần cuối” của Ban Quản lý Dự án (QLDA) đường sắt, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Đi kiểm tra, chỉ ra chậm trễ, dù đã xây lắp xong 95% đường sắt Cát Linh - Hà Đông ảnh 1Nguy cơ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại vỡ tiến độ vào cuối năm 2018

Vừa thi công vừa chờ hồ sơ thiết kế

Mới đây, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tháng 9-2018 bắt đầu vận hành chạy thử về kỹ thuật bao gồm căn chỉnh tổng hợp, vận hành thử không tải, vận hành chở khách mô phỏng. Thời gian chạy thử từ 3-6 tháng, tùy thuộc vào kết quả chạy thử để tiến hành khai thác thương mại. Dự án sẽ kết thúc hoàn toàn vào năm 2021 (bao gồm 2 năm bảo hành Dự án).

Đến nay, công tác xây dựng nhà ga, đường ray, hoàn thiện trang trí kiến trúc khu Depot, công tác lắp đặt thiết bị và đóng điện toàn tuyến sẽ thực hiện trong tháng 8. Dự án sẽ hoàn thành toàn tuyến vào tháng 8-2018. Tháng 9-2018 bắt đầu vận hành chạy thử về kỹ thuật bao gồm căn chỉnh tổng hợp, vận hành thử không tải, vận hành chở khách mô phỏng. Tuy vậy, với dự án đường sắt đô thị đầy tai tiếng này, dư luận vẫn không khỏi nghi ngờ về mốc thời gian mà chủ đầu tư đưa ra. 

Ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc Ban QLDA đường sắt khẳng định, dự án vẫn “chốt” tiến độ chạy thử vào đầu tháng 9 tới đây và hoàn thành xây dựng công trình trong quý IV-2018.

Theo Ban QLDA đường sắt, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng xây lắp (chưa bao gồm phần thiết bị) gồm toàn bộ các trụ và dầm cầu trên cao; kết cấu và kiến trúc của 12 nhà ga; tổng mặt bằng và kết cấu chính của 15/16 đơn thể kiến trúc trong khu Depot; đường ray tuyến chính, tuyến nhánh và trong khu Depot kết nối đến các phân khu chỉnh bị, sửa chữa, lập tàu; tường chống ồn và chống thấm mặt cầu.

Tổng thầu đã nhập khẩu thiết bị khoảng 60% khối lượng và lắp đặt khoảng hơn 40% khối lượng (một số chuyên ngành như thông tin, tín hiệu, cung cấp điện, ray tiếp xúc, chiếu sáng...). Tổng thầu vẫn đang triển khai nhập khẩu các thiết bị còn lại và tiến hành lắp đặt đồng thời ngoài hiện trường. Tuy nhiên, các công tác này vẫn đang bị chậm so với yêu cầu tiến độ.

Về đoàn tàu, đến nay đã hoàn thành công tác sản xuất, chế tạo cho cả 13 đoàn tàu bên Trung Quốc và vận chuyển về công trường. Hiện, công tác đăng kiểm thiết bị đoàn tàu vẫn chưa thực hiện được do chưa lắp xong thiết bị chuyên ngành để đóng điện và kiểm soát khống chế điều khiển (như chuyên ngành điện, thông tin, tín hiệu...). Về nguyên nhân chậm tiến độ, theo Ban QLDA đường sắt, trong năm 2017, tiến độ dự án bị chậm một thời gian do chậm được cấp nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD.

Đến ngày 28-12-2017 vừa qua, các vướng mắc về thủ tục đã được tháo gỡ xong, ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank Trung Quốc) chính thức thực hiện thủ tục giải ngân nguồn vốn bổ sung trên. “Chưa kể, năng lực quản lý điều hành của Tổng thầu EPC còn hạn chế (có thể do cách thức triển khai và cơ chế thực hiện ở mỗi nước khác nhau), mặt khác do đặc thù của dự án vừa thiết kế, vừa thi công nên việc thi công đôi khi không liên tục do phải chờ hồ sơ thiết kế, gây mất thời gian”, đại diện Ban QLDA đường sắt cho hay.

Tiếp tục chậm đến 3  tháng

Trong khi đó, qua kiểm tra thực tế vào cuối tháng 4-2018 của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho thấy, tại thời điểm kiểm tra lực lượng thi công, xây lắp thực tế toàn tuyến chỉ có 358 người, trong khi lực lượng thi công cần thiết theo kế hoạch là 640 người. 

Đặc biệt qua kiểm tra, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông nhìn nhận, toàn bộ thiết bị thang cuốn, thang máy của dự án đã được  Tổng thầu nhập khẩu về công trường, các bên đang thực hiện công tác kiểm tra mở thùng thiết bị đối với thang máy. Tuy nhiên, công tác bảo quản thiết bị sau khi lắp đặt của Tổng thầu vẫn chưa được thực hiện tốt. Ngoài ra, nhà thầu quản lý không sát sao trong công tác an toàn khi thi công ban đêm, công tác chuẩn bị cho thi công ban đêm không đầy đủ.

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đánh giá, qua kiểm tra hiện trường, trao đổi với các bên liên quan (Ban QLDA, tư vấn giám sát, Tổng thầu), so sánh với bảng tiến độ thi công đã được Tổng thầu cam kết thì hiện nay tiến độ các hạng mục vẫn tiếp tục chậm từ 30 - 90 ngày và có nguy cơ không về  đích trong tháng 11-2018 theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Theo đơn vị này, một số nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ như, về nhân lực máy móc thiết bị của Tổng thầu hiện tại không đáp ứng được yêu cầu theo tiến độ cam kết. Dòng tiền vốn từ cuối tháng 12-2017 vẫn chưa được khơi thông do vướng mắc về các điều kiện giải ngân lần đầu đối với Hiệp định vay bổ sung 250,62 triệu USD đã ảnh hưởng rất lớn đến năng lực tài chính của Tổng thầu từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công của dự án.

Về công tác phê duyệt hồ sơ thiết kế của Tổng thầu đã có chuyển biến tích cực hơn nhưng vẫn còn chậm trễ, chất lượng hồ sơ đệ trình chưa cao, không đảm bảo thủ tục pháp lý để phê duyệt dẫn  đến công tác phê duyệt bị chậm, không đảm bảo tiến độ yêu cầu của lãnh đạo Bộ GTVT. Hiện tại còn một số hồ sơ bản vẽ thi công chưa được phê duyệt như: Trạm tăng áp cấp nước đầu vào khu Depot; mái che thang cuốn nhà ga và một số hạng mục thiết bị... Nguyên nhân chủ yếu là do nhân sự thiết kế của Tổng thầu còn mỏng, tiến độ chỉnh sửa, hoàn thiện của Tổng thầu vẫn còn chậm trễ, chưa nghiêm túc thực hiện dẫn đến nhiều sai sót, thiếu sự đồng bộ  giữa các chuyên ngành.

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiến nghị, Bộ GTVT hỗ trợ làm việc với Bộ Tài chính để sớm giải quyết các vướng mắc còn lại, đảm bảo đủ điều kiện cho lần giải ngân đầu tiên đối với Hiệp định vay bổ sung 250,62 triệu USD. Còn Ban QLDA Đường sắt tổ chức các buổi họp 4 bên liên quan (Ban, Tư vấn giám sát, Tổng thầu và Tư vấn thiết kế) để rà soát, tháo gỡ từng nội dung vướng mắc, tiến tới phê duyệt hết các hồ sơ thiết kế như chỉ đạo của Bộ GTVT, kể cả việc phê duyệt có điều kiện để Tổng thầu đẩy nhanh tiến độ thi công ngoài công trường.

Dự kiến giá vé tàu điện cao hơn xe buýt

Cũng liên quan đến dự án đường sắt đô thị “tai tiếng” với nhiều lần thất hẹn này, vừa qua UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT xây dựng phương án giá vé tàu điện Cát Linh - Hà Đông, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước tháng 9 năm nay. Để xây dựng phương án này, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị khai thác dự án) đã khảo sát ý kiến với khoảng 1.500 người là sinh viên, hộ dân sống gần tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đa số người dân được hỏi chấp nhận giá vé lượt đường sắt đô thị cao hơn giá vé xe buýt 30-37%; giá vé tháng cao hơn giá vé tháng xe buýt là 15%.

Vé tàu điện nhỏ gọn giống thẻ ATM, sử dụng công nghệ hiện đại, có tính bảo mật cao, bán ở các nhà ga hoặc máy bán vé tự động. Vé sẽ được kết hợp liên thông, sử dụng cho các phương tiện vận tải công cộng khác như xe buýt thường, xe buýt nhanh. Hành khách có thể mua vé đi theo lượt, theo ngày, tuần, tháng; vé theo nhóm nhiều người. Để chuẩn bị vận hành tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết đã tuyển dụng 681 lao động, trong đó có 190 người được đưa đi học ở Trung Quốc. Các lao động này đều đã xong đào tạo lý thuyết và chờ thực hành trên tuyến.

Sở GTVT Hà Nội cũng đang nghiên cứu phương án kết nối các tuyến xe buýt, vận tải khách liên tỉnh tại khu vực Hà Đông với tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội. Dự kiến khi tuyến đường sắt này hoạt động sẽ thu hút thêm lượng lớn hành khách sử dụng phương tiện công cộng trên QL6 và đường Lê Văn Lương - Giảng Võ. Việc tổ chức các tuyến buýt để kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông giúp mở rộng vùng phục vụ của vận tải công cộng, tạo điều kiện giãn bớt mật độ dân cư ra các khu vực ngoại thành, giảm ùn tắc trên Quốc lộ 6.

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đánh giá, qua kiểm tra hiện trường, trao đổi với các bên liên quan (Ban QLDA, tư vấn giám sát, Tổng thầu), so sánh với bảng tiến độ thi công đã được Tổng thầu cam kết thì hiện nay tiến độ các hạng mục vẫn tiếp tục chậm từ 30 - 90 ngày và có nguy cơ không về  đích trong tháng 11-2018 theo chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải.